Sở hữu kết quả kinh doanh “khiêm tốn”, vốn chủ sở hữu thấp nhưng doanh nghiệp vẫn phát hành lượng trái phiếu “khủng”. Tình trạng này đã đặt ra yêu cầu cần siết mạnh điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư cá nhân lao vào đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi lãi suất cao, Bộ Tài chính liên tục đưa ra cảnh báo, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way xoay quanh vấn đề điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
PV: Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 về điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Luật sư đánh giá như thế nào về sự thay đổi trong điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ở Nghị định này so với văn bản quy phạm pháp luật trước đó?
Luật sư Lê Văn Hồi: Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2020 ghi nhận những điều kiện phát hành trái phiếu chặt chẽ hơn so với Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp thông thường (không bao gồm các tổ chức tín dụng) khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì cần đáp ứng thêm 3 điều kiện so với Nghị định 163/2018/NĐ-CP, cụ thể:
(i) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật;
(ii) Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
(iii) Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Như vậy, kể từ ngày 1/9/2020, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bắt buộc phải ký kết hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, các định chế tài chính khác đủ điều kiện cung ứng dịch vụ. Các tổ chức tư vấn này có nhiệm vụ rà soát, đánh giá về việc đáp ứng về điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành của các doanh nghiệp dự kiến phát hành theo quy định của Nghị định và pháp luật chứng khoán.
Việc ghi nhận các doanh nghiệp dự kiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng này sẽ góp phần gắn trách nhiệm của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong việc kiểm soát hồ sơ, điều kiện phát hành để đảm bảo các doanh nghiệp phát hành tuân thủ quy định pháp luật.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành phân theo ngành tính đến đầu năm 2020.
PV: Thưa luật sư, việc siết điều kiện phát hành trái phiếu phải chăng xuất phát từ sự tăng trưởng quá nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua?
Luật sư Lê Văn Hồi: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua tăng trưởng “nóng” bởi đây là một hình thức huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được triển khai theo nhiều dạng thức khác nhau, bao gồm cả việc phát hành theo hình thức không minh bạch, không nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, thị trường phát sinh nhiều bất cập có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nên việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP là cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường.
PV: Mới đây, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, gội đầu, làm đầu đã thông báo huy động thành công lô trái phiếu trị giá 738 tỷ đồng vào hồi cuối 8 vừa qua, trong khi mức vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Luật sư nhận định như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Lê Văn Hồi: Với thông tin đăng tải, tôi cho rằng, việc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đã hoàn thành là 463 triệu, và sau đó tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng, nhưng phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động thành công 738 tỷ đồng sẽ không còn cơ hội lặp lại khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực. Bởi lẽ, Nghị định 81/2020/NĐ-CP giới hạn về mức dư nợ sau phát hành tối đa không quá 5 lần vốn chủ sở hữu thực góp theo Báo cáo tài chính gần nhất. Trong khi đó, dư nợ sau phát hành của doanh nghiệp này gấp 36,9 lần so với vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu chưa rõ thực góp bao nhiêu).
Theo đánh giá của cá nhân tôi, việc giới hạn mức dư nợ tối đa sau phát hành có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, khi đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng đồng vốn vay, đảm bảo an toàn trong việc chi trả tiền lãi, gốc cho những nhà đầu tư đã mua trái phiếu.
Điều kiện bổ sung cuối cùng là ghi nhận về thời hạn hoàn thành cho mỗi đợt phát hành, khoảng cách của mỗi đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là một bổ sung quan trọng. Khi đó, những nhà đầu tư sau có thể quan sát về việc sử dụng đồng vốn vay từ đợt phát hành trước để có thêm dữ liệu khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way.
PV: Thưa luật sư, nhìn nhận từ góc độ pháp lý, việc huy động này đã đảm bảo điều kiện về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp?
Luật sư Lê Văn Hồi: Tôi không tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp của công ty này, do đó, tôi không thể đưa ra những đánh giá về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan, tôi cho rằng, với kết quả kinh doanh và mức vốn chủ sở hữu như công bố thì công ty này khó có thể đáp ứng được điều kiện “Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành” theo quy định tại Điểm g khoản 1 Điều 10 của Nghị định 163/2018/NĐ-CP khi tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là vượt ngưỡng quy định. Chưa kể với kết quả kinh doanh “khiêm tốn” như vậy thì việc sử dụng vốn vay của họ sẽ như thế nào, việc thực hiện thanh toán gốc, lãi trong tương lai sẽ được giải quyết ra sao cũng là những vấn đề hết sức lưu tâm.
PV: Ông đánh giá như thế nào về rủi ro đối với trái chủ đang sở hữu trái phiếu của những doanh nghiệp như Xích Lô Đỏ?
Luật sư Lê Văn Hồi: Tôi cho rằng, rủi ro khi đầu tư trái phiếu vào những doanh nghiệp như Công ty cắt tóc, gội đầu như truyền thông đưa tin gần đây là khá lớn, nhất là rủi ro trong việc bảo toàn hiệu quả đầu tư và bảo toàn nguồn vốn đầu tư.
Với kết quả kinh doanh “khiêm tốn” như đề cập ở trên, doanh nghiệp khó bật lên nhanh chóng để có thể duy trì việc thanh toán chi phí lãi của trái phiếu cho các nhà đầu tư, đồng thời, việc thiếu một đơn vị đảm bảo khoản vay cũng khiến cho việc bảo toàn nguồn vốn của trái chủ trở thành câu hỏi khó có lời giải.
PV: Thưa luật sư, những quy định về điều kiện phát hành trái phiếu hiện tại đã đủ tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển minh bạch và ổn định hay chưa?
Luật sư Lê Văn Hồi: Theo đánh giá của tôi, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại thì việc bổ sung những điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Nghị định 81/2020/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý an toàn tương đối cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp dự kiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định, đồng thời, ràng buộc thêm trách nhiệm của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ cho những đơn vị dự kiến phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, Nghị định 81/2020/NĐ-CP mới có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, do đó, cần có thời gian để kiểm chứng về những sửa đổi, bổ sung mới tác động đến thị trường như thế nào, từ đó có điều chỉnh cho phù hợp.
Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trước khi đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp của bất cứ doanh nghiệp nào cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành, uy tín của đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính, của đơn vị tư vấn phát hành cũng như các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để giảm thiểu rủi ro.
– Cảm ơn những chia sẻ của luật sư!
Mai Linh (thực hiện)