Lượng tiền gửi không kì hạn sụt giảm mạnh trong quí đầu năm đã khiến cho tỉ lệ CASA tại nhiều ngân hàng giảm. Tuy nhiên, tỉ lệ này đang có dấu hiệu phục hồi trong quí II.
Tỉ lệ CASA các ngân hàng cho tín hiệu phục hồi
Tỉ lệ tiền gửi không kì hạn trên tiền gửi khách hàng (CASA) các ngân hàng đã có nhiều biến động trong nửa đầu năm nhưng vẫn có xu hướng chung là sụt giảm trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới nền kinh tế.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quí II, tỉ lệ CASA của 25 ngân hàng khảo sát đạt 15,3%, thấp hơn 1,2 điểm % so với cuối năm trước. Tuy nhiên, con số cuối quí II đã có bước tăng khả quan nếu so sánh với mức CASA vào cuối quí I.
Điều này được thể hiện rõ rệt ở nhóm ba ngân hàng có CASA cao nhất gồm MBBank, Techcombank và Vietcombank.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi không kì hạn sụt giảm mạnh ở phần lớn các ngân hàng kéo CASA giảm: MBBank giảm từ 33,9% xuống 29,8%; Techcombank từ 32,9% xuống 30,7%; Vietcombank từ 28,3% về 26,2%.
Đến quí II, tiền gửi không kì hạn đã ghi nhận sự hồi phục rõ rệt trong quí II, dù chưa đạt trở lại mức cuối năm trước. Tiền gửi không kì hạn của MBBank tăng 16,8% đưa tỉ lệ CASA tăng thêm 2,8 điểm % từ 29,8% lên 32,6%.
Tại Techcombank, tiền gửi khách hàng đã tăng 6,2% so với cuối quí I, trong đó tiền gửi không kì hạn tăng 12,8% đưa tỉ lệ CASA tăng từ 30,7% lên 32,6%. Tỉ lệ CASA của Vietcombank cũng đã tăng trở lại lên 26,5% vào cuối tháng 6.
Ngoài ra, Sacombank, ACB, VPBank và nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tỉ lệ CASA tăng trở lại trong quí II.
Tỉ lệ CASA các ngân hàng thay đổi trong nửa đầu năm 2020
Tiền gửi ngân hàng sẽ tăng trở lại?
Theo giới phân tích, tỉ lệ CASA tại phần lớn các ngân hàng sụt giảm trong quí I một phần do yếu tố thời vụ khi đúng vào dịp cuối năm Âm lịch, doanh nghiệp phải rút tiền để thanh toán chi phí và trả lương cho nhân viên.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của người dân sụt giảm khiến nhiều người dân gửi tiết kiệm ít hơn, thậm chí rút tiền ra để chi tiêu, còn doanh nghiệp bị giảm doanh thu cũng phải hạn chế để tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng.
Trên thực tế, trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm và nằm ở mức thấp, số dư tiền gửi khách hàng của các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm trước.
Thống kê từ báo cáo tài chính quí II của 28 ngân hàng cho thấy số dư tiền gửi khách hàng đã tăng 5,6% và có tới 26 nhà băng ghi nhận lượng tiền gửi tăng. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 6 đạt 4,13 triệu tỉ đồng, tăng 4,32% so với cuối năm trước.
Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sau khi giảm hơn 120.000 tỉ đồng trong quí I đã bật tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Riêng trong quí II, các tổ chức kinh tế đã gửi thêm hơn 300.000 tỉ đồng vào ngân hàng.
Tiền gửi khách hàng tăng nhưng số dư tiền gửi không kì hạn tại quá nửa số ngân hàng khảo sát lại giảm, thậm chí có những ngân hàng giảm tới hai con số (%). Điều này thể hiện tính phòng thủ của những người gửi tiền đang tăng cao khi việc đầu tư vào các kênh khác có nhiều rủi ro.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định trong bối cảnh hiện tại, tiền gửi tiết kiệm vẫn là một kênh an toàn đối với các nhà đầu tư. Và khi tâm lí người dân và doanh nghiệp không còn xáo trộn như giai đoạn đầu của dịch bệnh, lượng tiền gửi vào ngân hàng sẽ tăng trở lại.
Những ngân hàng có CASA cao nhất nửa đầu năm 2020
Theo thống kê từ 25 ngân hàng công bố báo cáo tài chính chi tiết, Top 3 ngân hàng có tỉ lệ CASA cao nhất tính đến tháng 6/2020 vẫn tiếp tục là những gương mặt quen thuộc MBBank, Techcombank và Vietcombank.
Trong đó, MBBank và Techcombank cùng giữ vị trí “quán quân” về tỉ lệ CASA, ở mức 32,6%. mặc dù đều thấp hơn tỉ lệ CASA vào cuối năm trước.
Đây là hai ngân hàng thương mại cổ phần có những ưu thế riêng: Techcombank có ưu thế khi phát triển chương trình zero free và cash back thu hút được lượng lớn tài khoản thanh toán trong khi MBBank lại có được đặc thù nhờ mối quan hệ với các doanh nghiệp quân đội.
Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh, Vietcombank là đại diện duy nhất sở hữu tỉ lệ CASA ở trên mức 20%. Hai “ông lớn” khác là BIDV và VietinBank có tỉ lệ CASA ở mức không cao lần lượt là 15,2% và 15,7%.
Đáng chú ý, với sự rút ròng mạnh tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tỉ lệ CASA của cả Vietcombank, BIDV và VietinBank đều suy yếu trong 6 tháng đầu năm nay.
Nhóm những ngân hàng có tỉ lệ CASA thấp nhất đều dưới ngưỡng 5%.
Lê Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng