Mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm liên tục từ đầu năm đến nay nhưng lượng tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng mạnh.
Hai tháng gần nhất (tháng 7 và 8), hầu hết ngân hàng thương mại trong nước đã điều chỉnh giảm biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở tất cả kỳ hạn. Trong đó, mức giảm phổ biến là 0,3-0,5 điểm %/năm, thậm chí một số ngân hàng đến nay đã giảm gần 1,5 điểm %/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Thực tế, xu hướng giảm lãi suất tiền gửi đã được các ngân hàng áp dụng từ đầu năm khi tín dụng tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng trên, lượng tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp vào ngân hàng vẫn gia tăng liên tục thời gian này.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống ngân hàng (chưa loại bỏ các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD trong nước mua) tăng 5,15% so với đầu năm, đạt trên 11,118 triệu tỷ đồng.
Trong đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến giữa năm nay đạt 4,134 triệu tỷ đồng, tăng 4,32%; số dư tiền gửi của người dân đạt trên 5,075 triệu tỷ đồng, tăng 5,09% so với đầu năm.
Với tỷ lệ tăng này, tổng lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng nửa đầu năm nay lên tới hơn 246.000 tỷ đồng, trong khi lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế là gần 171.300 tỷ. Tính bình quân, mỗi ngày từ đầu năm có khoảng 1.367 tỷ đồng được người dân mang gửi vào các ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 3 (thời điểm bùng phát dịch Covid-19) ghi nhận tỷ lệ gửi tiền vào ngân hàng của người dân sụt giảm thì cả 5 tháng còn lại tỷ lệ này đều gia tăng so với tháng liền trước. Trong khi đó lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm (trên dưới 4%) và chỉ tăng trở lại từ đầu tháng 5.
Báo cáo mới đây của NHNN chi nhánh TP.HCM cũng ghi nhận đến 31/8, tổng huy động vốn trên địa bàn thành phố đã đạt hơn 2,66 triệu tỷ, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó huy động vốn bằng VNĐ chiếm 87%.
Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 8 của Công ty Chứng khoán HSC cũng cho biết thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở mức dồi dào chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc Nhà nước đã rút ròng rút 189.700 tỷ đồng tại 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank từ đầu năm.
Nguyên nhân có hiện tượng này được các chuyên gia tại HSC lý giải, do việc tăng trưởng huy động cao hơn nhiều so với tín dụng (lần lượt đạt 4,35% và 3,45% trong 6 tháng). Số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng 7 tháng chỉ là 3,47%, và chắc chắn thấp hơn nhiều tăng trưởng huy động trong hệ thống.
Thanh khoản ngân hàng tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng giảm đáng kể và đang thấp hơn nhiều so với lãi suất điều hành của NHNN.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết huy động vốn của hệ thống ngân hàng cao hơn tín dụng trong bối cảnh lãi suất đầu vào liên tục giảm cho thấy người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm cho dòng vốn nhàn rỗi.
Các tài sản đầu tư như chứng khoán, vàng biến động mạnh từ đầu năm được cho là nguyên nhân khiến tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất giảm. Ảnh: Hoàng Hà.
So với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đang biến động mạnh, bất động sản trầm lắng, tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng giảm… gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và sinh lời tốt.
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, có 3 lý do khiến tiền vẫn chảy vào kênh tiết kiệm ngân hàng giai đoạn này đó là lãi suất giảm nhưng các kỳ hạn 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm so với kỳ vọng lạm phát năm nay dưới 4%.
Hai là nhà đầu tư vẫn luôn coi kênh gửi tiết kiệm là an toàn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Và cuối cùng là một số nhà đầu tư cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình, trong đó có chọn gửi tiết kiệm.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng của Viện Đào tạo và Nghiên cứu – BIDV do ông Lực và các đồng nghiệp nghiên cứu cũng chỉ ra việc tiền gửi ngân hàng tiếp tục gia tăng sẽ giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và tác động tới lãi suất theo xu hướng giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng vẫn chưa cao khi dịch Covid-19 trở lại ở một số địa phương.
Theo nhóm nghiên cứu, xu hướng hạ lãi suất tiền gửi thời gian qua còn được thúc đẩy nhờ việc NHNN ban hành Thông tư 08 gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường, kỳ hạn dưới 12 tháng hiện nay cao nhất là 7,99%/năm tại PVcomBank, trong khi mặt bằng chung chỉ khoảng 6-7,3%/năm.
Hầu hết ngân hàng đều đã giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong tháng 8. Tại một số nhà băng, mức giảm lên tới gần 1 điểm % trong tháng vừa qua.