Giá vàng chốt tuần đi xuống dù có lúc vọt tăng mạnh sát mốc 2.000 USD/ounce. Nhà đầu tư đổ xô bù lỗ cho chứng khoán bằng cách bán các tài sản khác, bao gồm vàng đã khiến mặt bằng giá đi xuống.
Phiên giao dịch sáng nay 5/9, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số cửa hàng vàng lớn giao dịch ở mức 55,9 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,7 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn. Các mức giá này không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Tại TPHCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 55,75 triệu đồng/lượng – 56,7 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 55,9 triệu đồng/lượng (mua vào) – 56,7 triệu đồng/lượng (bán ra); giá vàng SJC tại TPHCM niêm yết ở mức 55,85 triệu đồng/lượng – 56,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang trong xu hướng giảm, giới chuyên gia cảnh báo người dân nên cẩn trọng trong việc bỏ vốn vào mặt hàng này.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á chốt tuần ở mức 1.934,8 USD/ounce.
Giá vàng điều chỉnh giảm so với sáng qua, đảo ngược hướng đi khi đồng USD mạnh lên do dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi.
Giá vàng đã suy giảm khi nhà đầu tư thoát khỏi kỳ vọng leo dốc vào cổ phiếu và định vị lại danh mục đầu tư tổng thể của họ trong bối cảnh dự báo thị trường tài chính hỗn loạn hơn.
Giới chuyên gia cho rằng, việc chứng khoán Mỹ xóa sạch đà tăng trong tuần qua có thể khiến một số nhà đầu tư đổ xô bù lỗ bằng cách bán các tài sản khác, bao gồm vàng.
Theo một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nợ chính phủ của Mỹ có thể vượt quy mô nền kinh tế nước này trong tài khóa 2021 và đây sẽ là mức nợ cao nhất kể từ năm 1946 do các khoản chi lớn của Mỹ nhằm ứng phó đại dịch Covid-19.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo về sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận chính sách tiền tệ, hai quan chức của ngân hàng trung ương này cho hay họ chấp nhận giữ lãi suất gần bằng 0% ngay cả khi lạm phát tăng vượt ngưỡng mục tiêu 2%.
Theo thống kê của Worldometers, Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với ít nhất 192.000 người chết và hơn 6,3 triệu người nhiễm bệnh tính đến thời điểm hiện tại.
Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington cũng dự đoán số ca tử vong trên toàn thế giới sẽ tăng gấp 3 lần, lên 2,8 triệu người tính đến ngày 1/1/2021. Hiện tại, thống kê của Worldometers cho thấy ít nhất 878.000 người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, trước khi lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Worldometers, Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 4.600 ca tử vong và hơn 85.000 ca mắc Covid-19.
An Hạ