Dù mở đầu chu kỳ phát triển mới bằng sự trầm lắng và khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, đó chỉ là những yếu tố tác động khách quan, còn bản chất thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa và cơ hội đầu tư.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một thập kỷ thăng trầm khi vượt qua giai đoạn đóng băng 2011 – 2013, đến giai đoạn phục hồi và lập đỉnh 2014 – 2016, sau đó phát triển thăng hoa từ năm 2016 – 2018 và chững lại từ năm 2019 đến nay. Đó là một thập kỷ “vượt khó” và khẳng định của thị trường cũng như các doanh nghiệp bất động sản.
“Thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm vừa qua đã có sự tăng trưởng về quy mô và chất lượng, ngày càng chứng tỏ là một ngành kinh tế quan trọng, thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước. Các chủ thể tham gia thị trường phát triển mạnh mẽ kể cả về số lượng và năng lực: hiện có hơn 15.000 doanh nghiệp bất động sản, 1.200 sàn giao dịch bất động sản và hơn 40 vạn môi giới.
Trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà, tăng 6,5m2/đầu người. Thị trường nghỉ dưỡng cũng “thay da đổi thịt” với hàng trăm dự án trải dài khắp các trung tâm du lịch. Hiện tổng thu liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 10 – 11% GDP đủ cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của lĩnh vực này đến nền kinh tế. Do đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn nói chung, vực dậy bất động sản sẽ là tiền đề cho hàng loạt những ngành kinh tế khác phục hồi”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
“Thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm vừa qua đã có sự tăng trưởng về quy mô và chất lượng, ngày càng chứng tỏ là một ngành kinh tế quan trọng, thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước”. Ảnh: Minh Minh
Trên cơ sở đó, theo các chuyên gia, dù khởi đầu chu kỳ 10 năm tiếp theo bằng chuỗi khó khăn do tác động của dịch bệnh khiến thị trường trầm lắng, tuy nhiên, nhìn nhận về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn và sinh lời tốt, đặc biệt là với những nhà đầu tư biết đủ, đong đếm được rủi ro để xuống tiền. Đó cũng là lý do khiến giá bất động sản không giảm trong thời gian qua dù thị trường bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19.
“Khó khăn thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay không phải đến từ nội tại mà đến từ các yếu tố khác bên ngoài tác động vào”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Đính, vào những năm 2017 – 2018, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển rất mạnh. Sang năm 2019, thị trường có “khựng” lại đôi chút, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm hơn 2018.
Theo đó, năm 2017, có 130 nghìn sản phẩm được hấp thụ, đến năm 2018 vọt lên 180 nghìn sản phẩm nhưng đến năm 2019 chỉ còn 110 – 120 nghìn sản phẩm. Điều này cho thấy, thị trường có sự sụt giảm nhưng xuất phát từ tác động của tình hình vĩ mô. Cụ thể, trong quá trình thị trường bất động sản phát triển mạnh đã bộc lộ nhiều yếu điểm của chính sách, pháp luật, khiến nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở địa phương.
“Việc các dự án bị dừng triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu, trong khi lực cầu vẫn mạnh. Theo ghi nhận, có những dự án được hấp thụ lên tới 90%. Cụ thể, tại TP.HCM có những dự án giá bán lên tới 40 triệu đồng/m2 nhưng trong vòng hai ba tháng đã tiêu thụ tới 95%”, vị chuyên gia cho biết và nhấn mạnh thêm: “Đây không phải khủng hoảng do thị trường bất động sản bởi nhu cầu vẫn rất mạnh, rất lớn”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Cũng theo Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đối với các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải trước đó, Chính phủ đã có những hành động rất kịp thời với một loạt chính sách được đưa ra, như chính sách tháo gỡ cho sự phát triển cho condotel. Đối với các dự án đang phát triển, Chính phủ cũng đã có Nghị định 25…
Với những tháo gỡ đó, theo ông Đính, lẽ ra thị trường bất động sản đã có thể khôi phục lại sự phát triển như trước năm 2019, nhưng ngay đầu năm nay dịch Covid-19 ập đến tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.
“Tuy nhiên, theo tôi, bất động sản sẽ là loại hình phục hồi nhanh nhất so với các loại hình khác. Điều này được minh chứng sau khi kết thúc đợt dịch thứ nhất và khoảng thời gian giãn cách xã hội, thị trường đã nhanh chóng khôi phục các giao dịch. Chúng ta tin tưởng Chính phủ, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong việc kiểm soát đợt dịch thứ hai này. Trong thời gian tới vẫn còn cửa sáng cho thị trường bất động sản nên chúng ta vẫn nên lạc quan”, ông Đính dự báo.
Vị chuyên gia cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, đối với các nhà đầu tư có ít tiền nên đầu tư vào ngân hàng, còn đối với các nhà đầu tư có tiềm lực ổn định thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư có dư địa và tiềm năng sinh lời lớn nhất.
“Giá bất động sản ở Việt Nam nhìn chung vẫn ở mức rất thấp. Bất động sản ở khu vực mới phát triển và phát triển tốt thì đất nền là phân khúc nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư. Còn với tầm nhìn dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc có lợi thế, dư địa lớn nhất khi trong 5 – 10 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh và thu hút tầm cỡ thế giới.
Với tầm nhìn dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc có lợi thế, dư địa lớn nhất khi trong 5 – 10 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh và thu hút tầm cỡ thế giới.
Ông Neil MacGregor – Tổng giám đốc Savills Việt Nam cũng chung nhận định rằng, bất động sản đã, đang và sẽ là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất: “Là người đã chứng kiến, trải qua tất cả những thăng trầm và phát triển của thị trường, giữa giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung trong tâm dịch Covid-19, tôi vẫn luôn có cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự vực dậy của bất động sản.
Thực tế 25 năm vừa qua đã chứng minh cho việc, ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao”.
Theo ông Neil MacGregor, Covid-19 sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2022, nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây. Đây sẽ là một công cụ hỗ trợ, đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Các chuyên gia nhìn nhận, dù hiện tại còn nhiều khó khăn nhưng với những tiềm năng và dư địa phát triển của thị trường, cùng với sự hậu thuẫn về mặt chính sách, chúng ta hoàn toàn tin tưởng giai đoạn 2020 – 2030 sẽ là một thập kỷ bùng nổ của thị trường bất động sản.
“Trong bất cứ thị trường nào cũng đều tồn tại hai mặt cơ hội và rủi ro. Bối cảnh thị trường bất động sản sắp tới cũng vậy, sẽ có sự đan xen giữa khó khăn và cơ hội. Nhìn từ kinh nghiệm các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường có sự phát triển ổn định và bền vững; các chính sách về tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chừng mực, ổn định nên có thể khẳng định, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rất nhanh sau khi kết thúc dịch bệnh”, một chuyên gia bất động sản nhấn mạnh thêm.
Minh Minh