Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi rủi ro từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn đang hiện hữu, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 10% là khá khó khăn.
Những con số dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020
Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng đang có sự biến động kém khả quan khi nằm ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo số liệu từ NHNN, đến ngày 29/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,26% so với cuối năm trước.
Báo cáo Quốc hội vào tháng 7, Thống đốc NHNN cho biết mặc dù tín dụng tăng khá yếu trong những tháng đầu năm nhưng đang có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng gần đây. Cụ thể, tới tháng 3 tín dụng mới tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.
Tăng trưởng tín dụng thấp là một trong những dấu hiệu thể hiện sự trì trệ của nền kinh tế khi nhu cầu vay sụt giảm, khả năng hấp thụ vốn kém. Do đó, thúc đẩy cho vay của các ngân hàng hiện tại được xem là một trong những cách để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê của người viết, số dư cho vay khách hàng của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí II đã tăng 3,2% so với cuối năm trước. Trong đó, có tới 5 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm gồm Eximbank, Saigonbank, PG Bank, SeABank, ABBank.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có những ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng cao như Nam A Bank (17,4%); MSB (10,2%); HDBank (9,6%);…
Theo thông tin cập nhật mới nhất, NHNN cho biết đã thực hiện nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng được đánh giá là có điều kiện tăng trưởng lành mạnh. Trong đó, một số nhà băng đã được cấp hạn mức tín dụng lên tới 19 – 23% như VPBank, Techcombank, VIB và TPBank, theo số liệu của Chứng khoán BSC.
Một số ngân hàng được nới “room” tín dụng năm 2020
Theo nhận định của SSI Research, NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 10%, cách xa mức 13,65% của năm 2019. Để đạt được mục tiêu này, tín dụng 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng tương đương cùng kì năm ngoái, đây là điều khá khó khăn trong bối cảnh hiện tại.
SSI Research cho rằng nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng.
“Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 7,5% – 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của NHNN là 11% -14%”, chuyên gia SSI dự báo.
Chuyên gia Tài chính TS. Cấn Văn Lực nhận định nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là sức cầu trong nền kinh tế còn rất yếu mặc dù các ngân hàng đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay mới từ 0,5 – 1,5 điểm %. Trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng ở mức rất thấp khoảng trên 4,2%.
“Tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn so với 8 tháng đầu năm và khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng tăng thêm 1%, cuối năm tăng trưởng từ 8 – 9%”, ông dự báo.
Với quan điểm thận trọng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mục tiêu tăng trưởng xấp xỉ năm ngoái (gần 14%) là một con số rất khó để thực hiện. Ông đưa ra mức tăng trưởng tín dụng kì vọng vào cuối năm 2020 là khoảng 7%. Với mức tăng trưởng tín dụng này có thể hỗ trợ để tăng trưởng GDP đạt từ 3% đến 4%.
Đâu là động lực tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm?
Chứng khoán MB (MBS) nhận định tăng trưởng tín dụng chậm lại vào đầu năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên đà tăng có thể phục hồi vào cuối năm 2020 và 2021 nhờ nhu cầu triển khai đầu tư hạ tầng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng tăng tốc giải ngân đầu tư công là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tín dụng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu vay tài trợ các dự án lớn sẽ tăng cao theo quá trình tăng giải ngân đầu tư công.
Vị chuyên gia này còn nhận định tín dụng tiêu dùng là lĩnh vực có tiềm năng và dự kiến có nhu cầu tăng cao vào cuối năm. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần cẩn trọng khi tăng trưởng ở mảng này do có rủi ro cao.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm là khả năng kiểm soát dịch bệnh và sự phục hồi của các hoạt động kinh tế xã hội. Trong đó khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và khối cá nhân sẽ có nhu cầu vay vốn nhiều hơn và đó là cái dư địa còn khả năng phát triển.
Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh doanh số, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đà phát triển tương đối nhanh, là phân khúc mà ngân hàng tập trung cho vay trong thời gian qua và thời gian tới.
Trong khi đó, các chuyên gia của SSI Research lại cho rằng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước. Cùng với đó, tăng trưởng huy động ước tính tiếp tục duy trì mạnh mẽ, tạo thanh khoản dồi dào cho ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2020.
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng