Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới, không nên đặt nặng vấn đề thu từ đất, mà phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực này, dành cơ hội cho nhà đầu tư có thực lực.
Cần đánh giá đúng năng lực của chủ đầu tư để giao đất, tránh lãng phí (Ảnh: Internet)
Không khuyến khích tăng thu từ đất
Quan điểm nhất quán được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại các cuộc họp với các địa phương liên quan đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công 5 năm 2021 – 2025 và năm 2021, đó là các địa phương không nên đặt nặng chỉ tiêu thu từ đất và xổ số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đất đai là nguồn lực hữu hạn, cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Việc đặt nặng mục tiêu tăng thu ngân sách sẽ khiến các địa phương đẩy nhanh việc tăng thu từ đất, dẫn đến “bán” đất ồ ạt.
“Ở các địa phương kinh tế – xã hội chưa phát triển, giá trị đất hiện tại rất thấp. Nhưng 5-10 năm nữa, khi kinh tế – xã hội đã phát triển hơn, thì giá trị địa tô được đẩy lên cao. Đất đã giao rồi thì lúc ấy, lợi ích lại chỉ thuộc nhà đầu tư, mà đáng lẽ phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và bày tỏ sự sốt ruột khi ở nhiều địa phương, các khu vực đất thương mại, vị trí tốt đều đã được “chia” hết, rất nhiều nhà đầu tư đã “xí chỗ”.
Thậm chí, còn có tình trạng cấp cả đất cho nhà đầu tư không có năng lực, nên đất được giao xong để đấy, rất lãng phí, cấp đất vượt quá cả nhu cầu của nhà đầu tư. Đất được giao thì ngân sách địa phương có nguồn thu, nhưng nguồn thu này là không bền vững. Tuy nhiên, trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2025, vẫn còn tình trạng đặt nặng mục tiêu tăng thu về đất.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thì nhu cầu đầu tư công trung hạn 2021-2025 của Vùng đồng bằng sông Hồng là 534.932 tỷ đồng, còn của Vùng trung du và miền núi phía Bắc là 118.591 tỷ đồng. Trong số này, Vùng đồng bằng sông Hồng dự kiến sử dụng 173.200 tỷ đồng từ đất và 1.882 tỷ đồng từ xổ số. Còn Vùng trung du và miền núi phía Bắc, con số tương ứng là 59.372 tỷ đồng và 1.509 tỷ đồng.
“Tức là, dự kiến thu từ đất và xổ số ở Đồng bằng sông Hồng sẽ tăng 1,67 lần, còn ở Vùng trung du và miền núi phía Bắc sẽ tăng 4,8 lần so với giai đoạn trước. Như vậy là quá cao, không bền vững”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét.
Hay như khu vực Duyên hải miền Trung, nếu như trong giai đoạn 2016 – 2020, chỉ có 32.507 tỷ đồng nguồn thu từ đất, thì trong 5 năm tới, dự kiến, con số sẽ lên tới 114.291 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần.
Xem ra, trong kế hoạch 5 năm tới, các địa phương vẫn còn trông đợi khá nhiều vào các nguồn thu từ đất.
Dành đất cho nhà đầu tư có thực lực
Ngoài câu chuyện thu từ đất sẽ không bền vững, mà cần tính tới các nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh, thì việc sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm còn có ý nghĩa đối với việc dành cơ hội cho các nhà đầu tư có thực lực.
“Nếu như đất đã được giao hết, thì đến khi nhà đầu tư lớn, có thực lực vào, chúng ta không còn đất dành cho họ nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến một mối lo đang hiện hữu, nhất là khi Việt Nam đang mong muốn đón được các “đại bàng” của làn sóng đầu tư đang dịch chuyển đến làm tổ.
Có một thực tế, đó là trong các cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khá nhiều địa phương như Đồng Nai, Hải Dương, Quảng Nam… bày tỏ lo lắng về chuyện thiếu đất sạch cho nhà đầu tư và đề nghị sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, qua đó nới lỏng quy định “phải lấp đầy 60% thì mới được thành lập khu công nghiệp mới”.
Song, nếu rà soát chặt, sẽ thấy không ít dự án đã được giao đất từ lâu mà không triển khai, chỉ cần thu hồi được, thì sẽ có một diện tích không nhỏ đất đai sạch, sẵn sàng cho nhà đầu tư có tiềm lực, qua đó tăng năng lực sản xuất cho địa phương, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách bền vững.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2020, cả nước có 32.539 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 381,2 tỷ USD. Nhưng vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI mới ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Có nghĩa, vẫn còn khoảng gần 160 tỷ USD vốn đăng ký chưa được giải ngân, kéo theo đó là hàng ngàn ha đất đang bị bỏ hoang.
Một dẫn chứng khác. UBND tỉnh Phú Yên mới đây tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của phần đất dự án New City. Dự án này trên thực tế đã được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2008, với vốn đầu tư 4 tỷ USD, diện tích 560 ha. Sau đó, năm 2014 được điều chỉnh xuống chỉ còn 1 tỷ USD, diện tích 357 ha. Và hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục xin giảm quy mô dự án xuống chỉ còn 200 triệu USD.
12 năm, New City – dự án một thời được Phú Yên kỳ vọng sẽ làm nên cú đột phá cho du lịch địa phương, vẫn chưa thể thành hình. Dự án chưa hoàn thành đã đành, nguồn lực đất đai bị bỏ phí.
Không khó để chỉ ra hàng loạt dự án tỷ USD, dự án quy mô lớn khác ở nhiều địa phương vẫn “trơ gan cùng quế nguyệt”, gây lãng phí đất đai.
Tuy nhiên, pháp luật đầu tư hiện nay chưa có quy định về thu hồi một phần dự án, cũng chưa có quy định về chấm dứt hoạt động dự án khi dự án kinh doanh thua lỗ, nên việc chấm dứt một phần hay chấm dứt toàn bộ dự án là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc. Mà như vậy cũng đồng nghĩa với việc, một phần đất đai đang bị sử dụng không hiệu quả nhiều năm.
“Có những dự án 10-15 năm không thể thu hồi. Bởi thế, ngay từ ban đầu, khi giao đất phải thẩm định thật kỹ năng lực của nhà đầu tư, giao đất tiết kiệm, đúng với quy mô và hiệu quả đầu tư, không phải nhà đầu tư muốn bao nhiêu cũng được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
(Theo Báo Đầu tư)