Bắt đầu từ tháng 10, quyết định chặn cuộc gọi, tin nhắn rác sẽ có hiệu lực. Theo đó, bất động sản sẽ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt nhân viên môi giới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định, quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Theo đó, mọi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử có nội dung quảng cáo được gửi tới người dùng mà chưa nhận được sự đồng ý đều sẽ được liệt kê vào dạng rác.
Bởi thực tế, thời gian qua, những cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán các dự án bất động sản từ chung cư cho đến biệt thự, đất nền… đã khiến không ít người than phiền bởi bị cuộc gọi quảng cáo “bủa vây” liên tục, bất kể giờ giấc, gây ra cảm giác khó chịu, bực mình. Đặc biệt, khoảng vài tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người phải nhận số lượng cuộc gọi, tin nhắn tăng lên gấp 2 – 3 lần, không kể ngày đêm.
Anh Quang Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, liên tục nhận được các tin nhắn giới thiệu dự án nhà đất từ nhiều số điện thoại lạ. Sản phẩm được rao bán có từ chung cư thương mại bình dân đến chung cư cao cấp và cả biệt thự. Mới đầu chỉ nhận được 1 – 2 tin nhắn mỗi ngày thì thấy bình thường nhưng hầu như ngày nào cũng nhận được cả chục tin nhắn khiến chị anh thực sự cảm thấy khó chịu.
Do đó, nếu nghị định này có hiệu lực, người dùng di động sẽ không bị làm phiền nhưng bất động sản sẽ là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng, trong đó nhân viên môi giới sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận khách hàng.
Thời gian qua, những cuộc gọi điện thoại với nội dung chào bán các dự án bất động sản từ chung cư cho đến biệt thự, đất nền… đã khiến không ít người than phiền.
Đánh giá về việc Nghị định 91 tác động đến hoạt động giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Nghị định này có tác động ít nhiều đến kênh bán hàng bất động sản qua điện thoại, vì những nhân viên môi giới vẫn dùng điện thoại để gửi thông tin cho khách hàng tiềm năng. Hơn nữa, sử dụng điện thoại là kênh bán hàng ít tốn kém nhất.
Việc sử dụng điện thoại nên chỉ là tư vấn, trao đổi, không phải truyền tải thông tin quảng cáo, nếu chỉ vậy sẽ gây tác dụng ngược, khiến khách hàng bị làm phiền và sẽ gây tác dụng ngược. Thực tế hiện nay, bán hàng qua điện thoại là kênh ít hiệu quả nhất trong các kênh bán hàng.
Còn theo anh Thái, một nhân viên môi giới có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ: “Không phải môi giới bất động sản nào cũng gọi điện, nhắn tin quảng cáo bất chấp. Một người bán hàng kinh nghiệm sẽ luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để chọn cách tiếp cận phù hợp, mang đến những giá trị thông tin hữu ích cho người ta chứ không phải tiếp thị một cách vô tội vạ sẽ phản tác dụng”.
Theo anh Thái, hiện nay phần lớn những cuộc điện thoại, tin nhắn quảng cáo liên tục bất kể ngày đêm một phần là do các bạn môi giới mới nhập nghề, chưa có kinh nghiệm, chưa có data tốt cộng với áp lực cạnh tranh phải bán được hàng nên buộc phải tận dụng tối đa kênh này dù biết kiểu gì cũng bị “ăn chửi”. Tuy nhiên, cũng có những cuộc điện thoại, tin nhắn được lập trình sẵn và gửi một cách tự động bởi robot.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, Nghị định 91 sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn cho lĩnh vực bán hàng. Nhiều công ty bán hàng nếu không thích ứng được sẽ phải “chết” vì xưa nay chủ yếu tìm khách bằng các cuộc gọi điện thoại. Do đó, đòi hỏi các đơn vị này muốn tồn tại phải thay đổi chiến lược, phương thức Marketing để tiếp cận khách hàng.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cũng chia sẻ rằng, Nghị định 91/2020/NĐ-CP là động thái bảo vệ người dùng điện thoại di động bị quấy rầy bởi những cuộc gọi chào mua bán các loại hình hành hóa khác nhau, trong đó có sản phẩm bất động sản. Bởi Telesales là một kênh phổ biến của nhiều công ty bất động sản dựa trên việc khai thác dữ liệu không chính thống đã gây nên phản ứng không hài lòng cho khách hàng. Do đó, quy định này sẽ buộc các công ty bất động sản hướng tới giải pháp tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
An Yên