Ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản sụt giảm mạnh về lượng giao dịch. Nhiều nhận định cho rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản sẽ buộc thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới.
Báo cáo của SSI Research mới đây đã đưa ra nhận định rằng, cơ cấu ngành bất động sản đang có sự dịch chuyển.
Theo SSI Research, các chung cư cao cấp có giá bán trung bình trên 60 triệu đồng/m2 ghi nhận lượng giao dịch giảm đáng kể. Các căn hộ có giá thuê cao (trên 1.000 USD/căn/tháng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Giá chào thuê trung bình giảm khoảng 20% – 25% do thiếu vắng nhu cầu từ người thuê và khách du lịch nước ngoài, đồng thời, do khoản chi tiêu cho thuê nhà bị cắt giảm. Lợi suất cho thuê căn hộ trung bình giảm 30 – 50 điểm so với mức trước Covid-19. Tỷ lệ này ở TP.HCM dao động từ 4,5% – 6,2%; trong khi tại Hà Nội dao động từ 4% đến 5,4% mỗi năm.
SSI Research cũng đưa ra nhận định, so với các quốc gia khác, làm việc tại nhà không phải là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến việc mua bất động sản nhà ở.
(Ảnh minh họa).
Một cuộc khảo sát trong nước cũng cho thấy, có khoảng 38% – 40% người dân coi thị trường bất động sản là kênh đầu tư an toàn. Đà tăng trưởng của thị trường có thể được ảnh hưởng tích cực bởi việc gia tăng tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng cùng với môi trường lãi suất huy động thấp.
Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, bất động sản đã và đang đón nhận những yếu tố thiếu thuận lợi. Nếu dịch kéo dài, bức tranh kinh tế sẽ không hề tươi sáng. Điều này đồng nghĩa, thị trường bất động sản sẽ tụt dốc sâu, lượng giao dịch giảm mạnh.
Những con số khác cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng hàng tồn kho lớn. Điển hình như Tập đoàn Đất Xanh, tính đến 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 8.844 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ đồng so với hồi đầu năm và chiếm 43% tổng tài sản doanh nghiệp.
Để cầm cự và vượt qua cơn bão khủng hoảng, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến thuật, tạo ra các dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu lớn của người tiêu dùng. Một trong chiến lược đó là gia tăng bất động sản bình dân, đánh trúng và đúng nhu cầu thực của người dân.
Trước đó, tại Diễn đàn Bất động sản thường niên 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã đưa ra đánh giá về thách thức của thị trường bất động sản năm 2020. Ông Khởi cho rằng, 2020 là năm khó khăn với thị trường bất động sản nên doanh nghiệp địa ốc phải xác định phân khúc nào phát triển, phân khúc nào ổn định hay phân khúc nào cần phải điều chỉnh để có những động thái phù hợp.
“Trong đó có các vấn đề về nhà ở giá thấp, từ 25 triệu đồng/m2 trở xuống là rất thiếu, đặc biệt là ở các tỉnh và thành phố loại 1. Thiếu tức là nhu cầu cao và phải có yếu tố thúc đẩy nhu cầu. Đây là cơ hội doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, giảm nguồn cung bất động sản cao cấp, tập trung vào phân khúc nhà ở bình dân, giá rẻ”, ông Khởi nhận định.
Triệu Vương