Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức lùi một năm việc áp dụng tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 08/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019. Thông tư mới quy định: Lộ trình áp dụng tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn sẽ được giãn thêm một năm so với trước đây.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2020 đến 30-9-2021, tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 40%; từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022 giảm về 37%… Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-10 tới đây.
Giảm áp lực cho ngân hàng
Giải thích về quy định mới trên, NHNN cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tăng tỉ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc lùi thêm một năm lộ trình áp dụng tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Mặt khác, theo NHNN, tính đến hết quý I-2020, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là 28,9%. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các ngân hàng thương mại tư nhân là 28,7%. Như vậy, xét trên quy mô toàn hệ thống ngành ngân hàng, tỉ lệ này hiện thấp hơn nhiều so với mức trần, cần tuân thủ gần nhất là 40%.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, cũng cho rằng mục đích chính của quy định cũ (Thông tư 22/2019) là giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm đảm bảo an toàn tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất tốt.
Bằng chứng là NHNN liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cũng giảm. Thậm chí lãi suất trần của huy động kỳ hạn dưới sáu tháng hiện chỉ còn 4,25%/năm thay vì trước đó là 5,5%/năm.
Thứ hai, việc gia hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến dư nợ trung hạn của hệ thống tín dụng tăng lên. Vì vậy, nếu áp dụng việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo đúng tinh thần của Thông tư 22/2019 sẽ gây khó khăn cho ngân hàng, qua đó khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nên việc lùi tiến độ áp dụng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như Thông tư 08/2020 vừa ban hành là hợp lý.
“Nói tóm lại, trong bối cảnh hiện tại, quy định mới sẽ giúp ngân hàng tiết giảm chi phí huy động vốn, qua đó doanh nghiệp có chi phí vay vốn rẻ hơn” – ông Hoàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc lãi suất tiền gửi ngày càng giảm mạnh khiến không ít người đang có dòng tiền ổn định phân vân trong việc gửi tiết kiệm. Do vậy, quy định mới cũng là một cách gián tiếp lôi kéo và giữ chân người gửi tiền.
Bà Phạm Thị Hoa, nhà đầu tư bất động sản ở quận 2, TP.HCM, kể bà vừa chuyển nhượng một lô đất nền ở quận Thủ Đức với giá 32 tỉ đồng. Hồi đầu năm nay, nếu gửi sáu tháng lãi suất nhận được khoảng 8,2%/năm, giờ đây chỉ còn 6,4%/năm. Do lãi suất tiền gửi thấp nên bà Hoa đang phân vân có nên dịch chuyển từ gửi tiết kiệm sang đầu tư vàng, ngoại tệ hay tiếp tục tìm kiếm những lô đất tiềm năng khác. “Khi chưa tìm được kênh đầu tư ưng ý, tôi sẽ tạm gửi vào ngân hàng” – bà Hoa kể.
Lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng giảm nhờ thanh khoản dồi dào. Ảnh: T.LINH
Tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp
Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp lẫn người lao động. Tổng cục Thống kê cho hay trong sáu tháng đầu năm nay có đến hơn 56.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được cho là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020.
Do vậy, nhiều ý kiến nhận định việc giãn thời gian điều chỉnh tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn cũng là cách hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp đang lao đao vì dịch. Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, phân tích: Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hàng loạt công ty gặp khó và những đơn vị vẫn còn cầm cự được là nhờ vốn tích lũy từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn lực của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực cũng đã vơi dần, thậm chí có công ty đã âm dòng tiền, không ít các khoản phải chi trả đều chậm thanh toán so với thời gian quy định trong hợp đồng. Thế nên, việc ban hành quy định mới cũng góp phần hỗ trợ nhà kinh doanh cầm cự trước khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết: Trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn huy động trung và dài hạn từ dân cư lẫn doanh nghiệp đều rất hiếm. Trong khi đó, nền kinh tế đang rất cần nguồn vốn cho trung và dài hạn. Chẳng hạn như Nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm… thì rõ ràng nhu cầu vốn trung và dài hạn là rất cao.
“Hiện cả hệ thống ngân hàng đang xúm lại để nghĩ cách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, do đó việc NHNN gia hạn thêm một năm khiến sức ép về vốn đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp phải gánh cũng sẽ được giảm bớt đi phần nào. Nói cách khác, nó tạo điều kiện cho các ngân hàng vẫn giữ được chi phí vốn thấp và duy trì các chính sách cho vay ưu đãi, miễn giảm lãi suất… cho khách hàng” – lãnh đạo Ngân hàng OCB nói.
Giảm lãi suất cần thực chất
Theo báo cáo của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền đồng của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm. Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 3,7%-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 4,4%-6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0%-7,3%/năm.
Tuy vậy, NHNN vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.
(Theo PLO)