Bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh cũng như tâm lý “ngại” mua nhà trong tháng cô hồn, một số doanh nghiệp BĐS vẫn đón nhận một lượng lớn khách hàng tới giao dịch.
Theo quan niệm dân gian, trong tháng 7 âm lịch, người dân thường tránh mua bán, giao dịch những sản phẩm có giá trị như đất đai, nhà cửa, xe cộ.
Chính vì điều này đã khiến thị trường địa ốc trong tháng này thường rơi vào tình trạng “đóng băng”. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng thường tránh mở bán dự án trong thời điểm này.
Tuy nhiên, khác với mọi năm, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch năm nay, nhiều sàn giao dịch BĐS, công ty địa ốc bất ngờ khi đón nhận một lượng lớn khách hàng tới giao dịch mua bán.
Dù tháng 7 âm lịch nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đón nhận tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh.
Trao đổi với PV Dân Trí, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất xanh miền Bắc tiết lộ, ngay trong ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, khối lượng khách hàng đến giao dịch đất nền đã tăng gấp đôi so với tháng trước, và gấp 10 lần so với năm ngoái.
“Nếu như mọi năm, ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch gần như không có giao dịch, có năm chỉ có 1 – 2 giao dịch, có năm không có giao dịch nào. Thế nhưng, năm nay lại có nghịch lý khi số khách hàng tới giao dịch tăng mạnh, đa phần là mua – bán đất nền”, ông Quyết cho biết.
Sở dĩ tháng 7 âm lịch năm nay có xu hướng “lạ” chính là nhờ tâm lý mua sắm của người dân đã thay đổi.
Giải thích rõ hơn về hiện tượng này, ông Quyết nhấn mạnh, trong 5 năm gần đây, cứ đến tháng 7 âm lịch, các chủ đầu tư đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu thị trường. Ví dụ như tặng quà khi mua nhà, tăng chiết khấu hoặc giảm giá sản phẩm, hỗ trợ lãi suất trả góp,…
Mặt khác, với quy mô thị trường bất động sản ngày càng lớn thì quan niệm không nên mua nhà trong tháng 7 âm lịch đang dần nhạt nhòa. Đối với nhiều người, tháng cô hồn lại là thời điểm tốt để xuống tiền bởi đây là giai đoạn dễ dàng mua được các sản phẩm giá “hời”.
“Nhiều dự án ra hàng trong thời gian này thường có nhiều ưu đãi hơn so với các thời điểm khác trong năm. Với nhà đầu tư, nếu thấy lãi là họ xuống tiền chứ không còn đặt nặng vấn đề kiêng kị như trước. Nhờ thế các giao dịch mua bán cũng vẫn giữ nhịp ổn định”, ông Quyết nói.
Trong khi đó, ông Đỗ An Khánh, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS trên đường Cầu Giấy cho biết, thực tế, tháng cô hồn không tác động quá nhiều vào thị trường BĐS.
Theo vị này, khi bước sang tháng cô hồn, khách hàng khi mua nhà thường “né” 15 ngày đầu tiên. Sau rằm, khối lượng có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Trong trường hợp khách hàng ưng ý sản phẩm, họ vẫn đặt cọc trước trong tháng. Sau đó chờ tháng 7 đi qua, họ chính thức ký hợp đồng giao dịch, hoặc nhập trạch.
Riêng với các nhà đầu tư, nhiều người còn tận dụng dịp này để “ôm được hàng” giá rẻ.
“Về cơ bản, khối lượng giao dịch sẽ dồn về cuối tháng hoặc đầu tháng 8 âm lịch”, ông Khánh chia sẻ.
Dù vậy, không phải doanh nghiệp địa ốc nào cũng may mắn như 2 công ty kể trên. Thực tế cho thấy, dù Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường, ví dụ như hạ lãi suất, nới rộng đối tượng cho vay mua nhà đất, nhưng thị trường vẫn khá trầm lắng bởi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo thống kê sơ bộ của một doanh nghiệp BĐS ở quận Nam Từ Liêm, lượng khách hàng giao dịch trong tháng 6 âm lịch vẫn duy trì ở mức thấp, bình quân 2 – 5 giao dịch/ tuần. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, khi bước sang tháng 7 âm lịch, khối lượng giao dịch có thể giảm xuống 1 – 3 giao dịch/tuần, thậm chí có thể không phát sinh giao dịch nào trong tuần.
Để cố gắng cầm cự, các doanh nghiệp BĐS đã có nhiều biện pháp ứng phó, ví dự như tạm thời “nghỉ ngơi” trong tháng cô hồn. Một số khác cắt giảm 70 – 90% số lượng nhân viên tư vấn để tiết kiệm chi phí phát sinh.
Nhận định về thị trường BĐS trong tháng 7 âm lịch, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, tháng 7 nói riêng và cả quý III/2020 coi như “bỏ”, vì ảnh hưởng từ dịch bệnh và tâm lý “ngại” mua bán trong tháng cô hồn.
Nếu xảy ra đợt giãn cách xã hội lần 2 (lần 1 vào đầu tháng 4), thị trường sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái tạm dừng. Trạng thái “ngủ đông” này có thể sẽ còn kéo dài hơn lần trước do các yếu tố về tài chính, thu nhập và cả tâm lý thận trọng ngày một tăng dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng cơ quan quản lý Nhà nước đang có những động thái quyết đoán để kiểm soát dịch bệnh và đưa ra một số giải pháp để kích thích kinh tế. Từ đó các hoạt động kinh tế xã hội sẽ ổn định hơn so với giai đoạn đầu năm”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Dù tác động của Covid-19 được dự báo sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng các chuyên gia đều chung nhận định, thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021-2022. Về tổng thể, kịch bản suy giảm nhẹ vẫn là chủ đạo, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhà đất được đánh giá là thấp.
Giai đoạn này, dù có nhiều khó khăn, song đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn để đầu tư bất động sản.
Đặc biệt là trong bối cảnh, nhiều chính sách về quản lý đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp đã bắt đầu có hiệu lực trong năm nay, hứa hẹn sẽ đòn bẩy đắc lực giúp vực dậy thị trường.
Việt Vũ