Báo cáo tài chính giữa niên độ 2020 của nhiều doanh nghiệp bất động sản cho thấy tình trạng dòng tiền kinh doanh âm.
Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.
Tại ĐHĐCĐ thường niên của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã CK: VCG), câu chuyện dòng tiền kinh doanh được cổ đông đặc biệt quan tâm khi con số âm lên cả nghìn tỷ đồng cuối năm 2019.
2019 là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động với sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông (không còn cổ đông nhà nước). Công ty TNHH An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất sau khi mua lại từ SCIC trong phiên đấu giá cuối năm 2018.
Sang năm 2020, kết thúc 6 tháng đầu năm, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đến cuối kỳ vẫn tiếp tục âm 962 tỷ đồng do tăng đột biến khoản phải thu.
Tổng tài sản của Vinaconex cũng giảm so với hồi đầu năm 2020. Tại thời điểm 1/1/2020, tổng tài sản của Vinaconex là 19.318 tỷ đồng, sau 6 tháng con số này giảm 674 tỷ đồng, còn 18.644 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu Vinaconex doanh thu thuần đạt 2.590 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 385 tỷ đồng, tăng 23%.
Năm 2020 Vinaconex đặt mục tiêu đạt 9.530 tỷ đồng tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 820 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2020, VCG đã hoàn thành được 27% mục tiêu về doanh thu và 47% về lợi nhuận.
Tình trạng dòng tiền kinh doanh âm cũng xảy ra tại một doanh nghiệp địa ốc lớn khác – đó là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã CK: DXG).
Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh tại thời điểm cuối tháng 6/2020 của DXG âm hơn 1.540 tỷ đồng. Trong khi con số này cùng kỳ năm trước là âm 653 tỷ đồng.
DXG mới đây cũng gây xôn xao giới đầu tư khi đảo lãi thành lỗ ròng hơn 488 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm sau kiểm toán. Trong khi con số này ở báo cáo tự lập công bố trước đó là lãi hơn 38 tỷ đồng.
Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo DXG cho biết, nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình kiểm toán, công ty kiểm toán xác định khoản chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty LDG là sự kiện phát sinh sau niên độ và yêu cầu công ty phải thực hiện trích lập dự phòng tài chính trên báo cáo tài chính hợp nhất là 526 tỷ đồng, dẫn đến lỗ trong kỳ.
“Ông lớn” này cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp địa ốc có hàng tồn kho lớn, tăng mạnh. Tính đến 30/6/2020, giá trị hàng tồn kho của DXG là 8.844 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ so với hồi đầu năm và chiếm 43% tổng tài sản doanh nghiệp.
Năm 2020, DXG đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.034 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 16% và 15% so với kết quả năm 2019.
So với kết quả đã thực hiện trong nửa đầu năm thì việc hoàn thành được mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đặt ra là một chặng đường dài với DXG.
Một doanh nghiệp địa ốc khác cũng ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm là CTCP Địa ốc 11 (mã CK:D11). Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của D11 là âm 99 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ là dương 133 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp bất động sản nhưng Địa ốc 11 đã không ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản trong 2 quý đầu năm nay, trong khi cùng kỳ con số này là 184 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu D11 đạt 19 tỷ đồng, giảm đến 91% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế là 5,2 tỷ đồng, giảm 63%.
Nguyễn Mạnh