Số liệu từ các công ty chứng khoán đều chỉ ra rằng trong môi trường tiền tệ hiện nay, lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm đến cuối năm với mức tối đa có thể lên tới 1%.
SSI Research vừa có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 10-16/8 cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện giao dịch trên thị trường mở nhưng liên tục mua vào ngoại tệ trong 2 tuần gần đây.
Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn tiền đồng đã được bơm vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng đi ngang ở mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,35%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Trong khi đó, tính từ đầu năm đến hết 28/7, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3,45% (trong khi cùng kỳ là 7,31%). Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp và các doanh nghiệp đang tiếp tục gặp khó khăn vì làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, NHNN đã ban hành văn bản 5596 yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lương thưởng, lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.
Theo các nhà phân tích tại SSI Research, sau các đợt giảm mạnh và đồng loạt trong tháng 6 và 7, lãi suất tiền gửi hiện đã chững lại ở mức 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn một đến dưới 6 tháng; 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 5-7,3%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Ngoài ta, từ nay đến cuối năm lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm % ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ còn giảm thêm đến cuối năm nay. Ảnh: Hoàng Hà.
Xu hướng giảm lãi suất tiền gửi đến cuối năm cũng được các chuyên gia tại HSC dự báo dựa trên các số liệu tiền tệ gần đây.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã rút mạnh tiền gửi tại 3 ngân hàng (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) với số rút ròng 189.700 tỷ đồng từ đầu năm, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao, thậm chí cao hơn mức bình quân các năm 2017-2019.
“Điều này là do hệ thống ngân hàng đang có thanh khoản dồi dào ở mức chưa từng có, ngay cả khi Kho bạc rút tiền gửi”, HSC cho biết.
Dựa trên số liệu về số dư cho vay liên ngân hàng của NHNN, các chuyên gia tại đây tính được số dư cho vay thuần trên thị trường liên ngân hàng từ đầu năm tăng 230.000 tỷ đồng (đã loại bỏ yếu tố tiền KBNN và bơm thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở). Đây là mức thanh khoản cao nhất từ trước đến nay và dễ dàng cân bằng được ảnh hưởng từ việc KBNN rút tiền gửi.
Nguyên nhân chủ yếu giúp thanh khoản dồi dào chính là việc tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng (lần lượt đạt 4,35% và 3,45% trong 6 tháng). Số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng 7 chỉ là 3,47%, thấp hơn nhiều tăng trưởng huy động trong hệ thống.
Thanh khoản thị trường liên ngân hàng tăng mạnh đã khiến lãi suất liên ngân hàng giảm đáng kể và đang thấp hơn nhiều so với lãi suất điều hành của NHNN. “Từ các yếu tố kể trên, lãi suất tiền gửi sẽ giảm vào cuối năm nay”, HSC kết luận.
Nói với Zing mới đây, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết các ngân hàng hiện vẫn có khả năng giảm thêm lãi suất huy động và cho vay nhưng dư địa không nhiều. Theo tính toán, mức tối đa chỉ khoảng 1%. “Nếu giảm lãi suất quá thấp, người dân sẽ rút hết tiền mặt và tìm kênh đầu tư khác, khi đó thị trường sẽ gặp rủi ro lớn và gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng”, ông nói.
Theo ông Hiếu, để giảm được thêm nữa lãi suất cho vay trên thị trường như chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, các ngân hàng buộc phải tìm cách hạ lãi đầu vào.
Ngoài việc chủ động giảm lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm, các ngân hàng có thể dựa vào lãi suất điều hành của NHNN. “Nếu cơ quan quản lý có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí đầu vào, cùng với việc giảm chi phí lao động, dự phòng… mức lãi suất thực tế sẽ giảm xuống sâu hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Người thay thế vị trí ông Nguyễn Lê Quốc Anh để lại tại Techcombank là cựu Giám đốc tài chính Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan) Jens Lottner.
Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ ngân hàng, đặc biệt về lãi suất. Trong khi dịch tái bùng phát mang đến những khó khăn mới.