Môi trường kinh doanh xấu đi trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại đặt các ngân hàng vào tình huống đầy áp lực trong nửa cuối năm, sau khi nửa đầu năm ưu tiên cho tăng trưởng lợi nhuận.
6 tháng đầu năm 2020, theo thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại (*), tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng vẫn tăng tới 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cũng trong nửa đầu năm nay, tâm thế của các ngân hàng phần lớn là dự báo dịch bệnh sẽ kết thúc lây nhiễm cộng đồng trong tháng 4 và từ đó dần phục hồi lại nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục “cửa đóng, then cài” với thế giới. Tâm thế này thể hiện rất rõ trong kế hoạch cũng như chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng tại các đại hội đồng cổ đông diễn ra hầu hết vào tháng 6 vừa qua.
Với đặc thù hạch toán kế toán riêng biệt, các ngân hàng rất chủ động trong việc điều tiết lợi nhuận. Trên tâm thế dịch cơ bản đã kết thúc, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm nhiều khả năng đã được điều tiết theo hướng tích cực hơn so với thực tế và tổn thất sẽ được “pha loãng” ra trong 6 tháng cuối năm – thời kỳ mà các ngân hàng kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh.
Dữ liệu tổng hợp của 28 ngân hàng thương mại cũng cho thấy nhìn chung, các ngân hàng không mạnh tay trích lập dự phòng để phòng bị trước cho tổn thất diễn ra trong nửa cuối năm (xem thêm: Nợ xấu ngân hàng phình to, ‘bộ đệm’ dự phòng có theo kịp?, Không mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng vẫn lãi đậm mùa Covid-19).
Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại với cường độ rất mạnh và diễn biến phức tạp. Cho dù có dập được “ổ dịch” tại Đà Nẵng thì nguy cơ bùng phát trở lại những lần tiếp theo là rất cao, với điển hình gần đây nhất là 3 ca mắc mới Covid-19 không có yếu tố dịch tễ liên quan trực tiếp đến Đà Nẵng. Đây cũng là lý do khiến Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thống nhất nhận định: “Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”.
Trong tình thế như vậy, khó lòng kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh khi người dân trở lại tâm thế phòng thủ, thắt chặt chi tiêu. Bản thân việc giảm mạnh lãi suất tiết kiệm trước mắt cũng có tác động tiêu cực đến chi tiêu, khi tiền lãi thu về của người dân ít hơn đáng kể so với trước đây. Trong khi đó, “quân bài tẩy” đầu tư công cần thời gian để lan tỏa tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế, trong trường hợp giải ngân thuận lợi.
Đối với các ngân hàng, kịch bản kinh doanh đã thay đổi, kế hoạch điều tiết lợi nhuận về cơ bản đã “vỡ” và điều này gây áp lực rất lớn cho lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm. Bên cạnh áp lực suy giảm nguồn thu, áp lực tăng trích lập dự phòng thì cũng phải kể đến áp lực thoái lãi dự thu khi lượng lớn nợ vay sẽ phải chuyển nhóm hoặc tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (cho phép giữ nguyên nhóm nợ nhưng không cho phép ghi nhận lãi dự thu).
Thống kê đối với 28 ngân hàng thương mại cho thấy, tổng lãi dự thu của các ngân hàng này thời điểm cuối tháng 6/2020 ở mức gần 185.000 tỷ đồng, tăng tới 13% so với cuối năm ngoái.
Đây là mức tăng rất mạnh nếu so với năm 2019 (tăng 6%) và năm 2018 (tăng 4%).
Nếu loại trừ ngân hàng SCB, mức tăng tổng lãi dự thu 6 tháng đầu năm 2020 là 3%, trong khi năm 2019 là 4% và năm 2018 là -1%.
Điều này cho thấy, ngay cả khi loại trừ đi trường hợp đặc biệt là ngân hàng SCB thì biến động tổng lãi dự thu nửa đầu năm nay cũng không có nhiều thay đổi so với các năm trước, thậm chí còn tăng mạnh nếu tính cả SCB. Trong khi đó, Thông tư 01/2020/TT-NHNN không cho phép nợ được tái cơ cấu ghi nhận lãi dự thu.
Xét toàn ngành, đây là tín hiệu cho thấy lượng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN tính đến hết tháng 6/2020 không thực sự đáng kể so với quy mô dư nợ tín dụng, vì thế, không tạo ra sự suy giảm rõ rệt trong tổng lãi dự thu.
Đi sâu vào từng ngân hàng, có sự phân hóa rõ rệt. Trong số 28 ngân hàng thương mại trong diện thống kê, có 11 ngân hàng ghi nhận lãi dự thu giảm trong nửa đầu năm nay, bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, Eximbank, HDBank, MB, MSB, Sacombank, VIB, Vietcombank và VPBank. Trong đó, giảm nhiều nhất là ACB (giảm 27%), Eximbank (20%), VPBank (19%) và Vietcombank (16%).
Ngược lại, trong số 17 ngân hàng ghi nhận tăng lãi dự thu trong nửa đầu năm, một số ngân hàng có mức tăng mạnh hơn hẳn so với phần còn lại bao gồm: SHB (tăng 39%), NamABank (38%), SCB (35%), Saigonbank (34%), Vietbank (34%), LienVietPostBank (24%), VietABank (22%), TPBank (19%).
Mặc dù còn phải xem xét đến chất lượng nợ ở thời điểm hiện tại, kéo theo đó là quy mô dư nợ phải chuyển nhóm nhưng nhìn chung, các ngân hàng ghi nhận lãi dự thu giảm trong nửa đầu năm cũng bớt áp lực hơn các ngân hàng còn lại trong việc thoái lãi dự thu trong nửa cuối năm.
(*) 28 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietABank, VietBank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank.