Chuyên gia cho biết, làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại và ngay lập tức có tác động lớn tới thị trường bất động sản.
Loại hình bất động sản có lượng tin đăng (đại diện cho nguồn cung) tăng nhiều nhất trong tháng 7 là chung cư cho thuê, tăng 6% so với tháng trước.
Bộ phận nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 7/2020, Hà Nội và khu vực phía Bắc không ghi nhận thêm bất kỳ nguồn cung sơ cấp mới nào.
Còn tại miền Trung cũng chỉ có 1 dự án với 150 lô đất nền. Nguồn cung mới trong tháng này chủ yếu tập trung tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận, chủ yếu vào loại hình chung cư và đất nền dự án.
Đáng chú ý chuyên gia ở Batdongsan.com.vn cho biết, làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trở lại từ 25/7 và ngay lập tức có tác động lớn tới thị trường bất động sản.
Theo đó, lượng tin đăng và mức độ quan tâm ghi nhận biến động giảm trong các ngày cuối tháng. Tính chung cả tháng 7/2020, mức độ quan tâm giảm 7%.
“Riêng thị trường bất động sản Đà Nẵng sụt giảm 20% mức độ quan tâm dưới tác động của dịch bệnh”, bộ phận nghiên cứu thị trường Batdongsan.com.vn thông tin.
Cũng theo đơn vị này, lượng tin đăng có tăng nhẹ ở các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Loại hình bất động sản có lượng tin đăng (đại diện cho nguồn cung) tăng nhiều nhất trong tháng là chung cư cho thuê, tăng 6% so với tháng trước.
Với số liệu cho thấy mảng cho thuê căn hộ chung cư có lượng đăng tin tăng mạnh, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết điều này cũng phản ánh thực tế hiện nay khi nhu cầu thuê giảm, một phần do số lượng người nước ngoài đến làm việc, du lịch tại Việt Nam giảm mạnh.
Diễn biến thị trường chung cư Hà Nội trong tháng 7/2020.
Trong khi đó, điều đáng chú ý là bất chấp khó khăn thị trường, giá rao bán chung cư tại TP.HCM và Hà Nội vẫn duy trì mức độ ổn định. Đơn vị nghiên cứu không ghi nhận biến động nào đáng kể về giá chung cư.
Diễn biến thị trường chung cư TP.HCM tháng 7/2020.
Đánh giá hệ quả cực kỳ nghiêm trọng từ đại dịch, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp buộc phải có giải pháp để tồn tại. Trong đó, việc giảm giá bán nhà hay tái cơ cấu doanh nghiệp được nhắc tới.
Tuy nhiên theo khảo sát của PV Dân trí, thực tế cả ở phân khúc sơ cấp hay thứ cấp, thị trường không ghi nhận chiều hướng giảm giá. Thậm chí nhiều báo cáo của các đơn vị nghiên cứu bất động sản đều chỉ ra rằng giá bất động sản tăng bất chấp đại dịch.
Nhưng với làn sóng Covid-19 thứ hai này, một số chuyên gia dự báo sẽ có giảm giá cục bộ. Chẳng hạn tại Đà Nẵng, DKRA Việt Nam dự báo ở phân khúc nhà phố và biệt thự, thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Sức mua chung của toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ giữa cuối năm 2019. Mặt bằng giá có thể duy trì xu hướng đi ngang và không có nhiều biến động so với đầu năm. Cục bộ, giá bán có thể giảm ở vài giao dịch đơn lẻ do một số nhà đầu tư áp lực về dòng tài chính bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho đến sát thời điểm xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai, thị trường vẫn đang tốt. Nhưng cho đến thời điểm này khi Covid-19 chính thức tái bùng phát, theo ông Đính, nhiều dự án phải tạm ngưng để “nghe ngóng” và “xem xét”.
Nguyễn Mạnh