TP.HCM được biết đến là nơi “tụ họp” của nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, nhưng tới thời điểm hiện tại, phần lớn các dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Dự án Empire City đã hoàn thành xây dựng phần thô cụm công trình nhà ở chung cư
Nhiều dự án bất động
Tại Khu đô thị Nam Sài Gòn, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu đô thị (tên thương mại là Saigon Peninsula), tọa lạc tại phường Phú Thuận, quận 7 (TP.HCM) có tổng diện tích lên tới hơn 117 ha và vốn đầu tư 6 tỷ USD.
Đây là một trong những siêu dự án được nhiều người kỳ vọng. Bởi khi dự án hoàn thành, bộ mặt đô thị của một khu vực rộng lớn tại TP.HCM sẽ thay đổi, người dân sẽ được sử dụng những tiện ích bậc nhất… Nhưng sau 4 năm khởi công, dự án vẫn nằm “bất động” giữa thị trường đầy biến động.
Cụ thể, khoảng giữa năm 2016, Công ty cổ phần Tập đoàn Sài GònPeninsula đã tổ chức khởi công dự án Saigon Peninsula. Nhưng đến nay, bên trong khu đất được quy hoạch làm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng… vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc cao quá đầu người. Nguyên nhân được cho là dự án chưa được chấp thuận đầu tư.
Tương tự, dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển có diện tích 91,6 ha, được kỳ vọng sẽ mang về cho Quốc Cường Gia Lai doanh thu giai đoạn 2011 – 2016 trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng. Đây từng được xem là “con bò sữa” của công ty này, nhưng đàng tiếc là nó ngày càng gầy còm, èo uột.
Cụ thể, dự án đã được UBND TP.HCM “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017. Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017. Nhưng hiện nay, tại khu vực triển khai dự án, khu đất rộng lớn này không khác gì một bãi đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm. Tuyến đê bao ven sông đoạn được làm tạm bợ, có đoạn bỏ không. Đường đi vào dự án là một con hẻm nhỏ, ngoằn nghèo và phải đi qua một chiếc cầu cũ đang xuống cấp.
Hay tại Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, nơi được kỳ vọng sẽ trở thành quận trung tâm mới của TP.HCM với nhiều dự án cao cấp, tổ hợp hiện đại, nhưng tới thời điểm hiện tại thì những kỳ vọng đó vẫn chưa thể thành hiện thực. Bởi sau khi thu hút hàng loạt “ông lớn” đầu tư dồn dập thì nhiều dự án bị ách tắc, thậm chí là bất động.
Đơn cử như tại dự án Eco Smart City, đây là tổ hợp bất động sản được Công ty TNHH Lotte Properties HCMC (Công ty Lotte) xúc tiến đầu tư với số vốn hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Công trình sẽ được xây dựng ở khu chức năng 2a nằm ở vùng lõi Khu đô thị thủ Thiêm với diện tích đất phát triển dự án khoảng 12,55 ha, gồm 12 lô đất.
Quy mô dự án gồm các khu tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 5,12 ha. Ngoài ra, nhà đầu tư còn triển khai hoàn chỉnh 4 đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp. Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ đầu tư dự án trong vòng khoảng 72 tháng, khai thác trong 50 năm. Nhưng do vướng thủ tục, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Tương tự, cũng vì lý do vướng thủ tục pháp lý liên quan tới điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chấp thuận đầu tư giai đoạn 2; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai… nên việc thi công Khu phức hợpEmpire City của Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương bị ách tắc.
Được biết, dự án được đầu tư với tổng số vốn khoảng 1,2 tỷ USD, có quy mô 5 ha với nhà hàng, khách sạn, nhà ở và trung tâm thương mại và điểm nhấn là tòa tháp cao nhất Việt Nam lên tới 86 tầng. Chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành công trình vào năm 2022, và hiện tại dự án đã thi công xong phần thô.
Chờ ngày được khơi thông
Liên quan đến “siêu dự án” Saigon Peninsula, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Nghị định số 11/2013NĐ-CP, thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Bởi trước đó, năm 2007, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula đầu tư dự án. Đến năm 2011, TP.HCM tiếp tục có văn bản giao đất thực hiện san lấp mặt bằng dự án. Năm 2016, nhà đầu tư hoàn thành đền bù giải tỏa 93% diện tích đất dự án. Tháng 4/2017, TP.HCM tiếp tục có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Đường dẫn vào dự án Saigon Peninsula xuống cấp nghiêm trọng
Lúc này, Bộ Xây dựng phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án theo thẩm quyền. Bởi tại thời điểm năm 2017, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 18.000 tỷ đồng, diện tích đất xây dựng dự án hơn 117 ha thì dự án Saigon Peninsula thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Tại dự án Eco Smart City, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND Thành phố đã chấp nhận chủ trương chỉ định 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Lotte là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai.
Để giải quyết vướng mắc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng cho phép Công ty Lotte được tiếp tục đầu tư dự án để tránh nguy cơ ảnh hưởng hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Bởi trước đây, Thành phố tổ chức quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020 (thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP). Trong đó, tại khoản 3, Điều 11 có quy định rõ điều kiện để tổ chức đấu thầu là dự án không thuộc đối tượng đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.
Tại thời điểm hiện nay, nếu tổ chức lại việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (kể cả trong trường hợp đặc thù quy định tại Điều 26, Luật Đấu thầu) thì dự án không đủ điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 11, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP vì khu đất đã được tổ chức giải phóng mặt bằng nên phải tổ chức đấu giá theo Điều 119, Luật Đất đai.
Theo ghi nhận của phóng viên, dự án Empire City cũng đã được Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn Thành phố đưa ra họp bàn, tìm cách gỡ vướng. Nhưng đến nay, tiến độ “cởi trói” đến đâu vẫn chưa được các bên liên quan tiết lộ. Và lúc này, người đang nóng lòng nhất có lẽ chính là lãnh đạo các doanh nghiệp.
Bởi theo ông Võ Sỹ Nhân, Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Thành phố Đế Vương, hiện nay, dự án Empire City đã hoàn thành xây dựng phần thô cụm công trình nhà ở chung cư, phức hợp 30 tầng và đang hoàn thiện. Công ty dự kiến hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý I/2021. Việc chưa có thông báo đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai khiến Công ty chưa thể ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng. Sau khi được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và được đẩy nhanh thủ tục cấp phép xây dựng, Công ty quyết tâm khởi công xây dựng phần ngầm cho khu tòa tháp 88 tầng vào cuối năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết, việc dự án không triển khai được đã gây thiệt hại cho Công ty hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh. Công ty không biết xoay xở vào đâu, dòng tiền thu – chi không chủ động được.
“Công ty chúng tôi và đối tác không thể định hướng được kế hoạch sản xuất kinh doanh, vì không thể biết được thời gian hoàn tất thủ tục để chuẩn bị tài chính, nộp thuế, thi công xây dựng, thực hiện dự án”, bà Loan nói và kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương xem xét, giải quyết các vướng mắc về thủ tục của dự án để Công ty sớm triển khai dự án.
(Theo Báo đầu tư bất động sản)