Đại hội thường niên lần 3 sẽ không bất ngờ nếu một lần nữa bất thành. Khi đó, HĐQT Eximbank hiện tại sẽ tiếp tục được duy trì, và con số nghị quyết HĐQT được ký từ Nghị quyết 231 ngày 15/5/2019 chắc hẳn sẽ không chỉ dừng lại ở 511.
Nếu không có diễn biến bất ngờ, ĐHĐCĐ thường niên lần 3 của Eximbank sắp tới tại Hà Nội nhiều khả năng sẽ tiếp tục bất thành. Ảnh: HUY NGỌC
Ba lá đơn tố cáo
Ông Hoàng Đôn Hùng, người đại diện cho 1,8 triệu cổ phần Eximbank vừa có đơn tố cáo sai phạm của nhà băng này gửi lên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn. Trước đó, cũng vị này vào các ngày 27/7 và 31/7 đã có hai đơn tố cáo khác gửi Thống đốc NHNN, Chủ tịch UBCKNN và cả Thủ tướng Chính phủ.
Ba đơn tố cáo với các nội dung khác nhau, song tựu trung lại là phản ánh những dấu hiệu sai phạm của HĐQT Eximbank, như cố tình vi phạm luật Doanh nghiệp và Điều lệ, trì hoãn Đại hội cổ đông bất thường, không tôn trọng quyền cổ đông, gây khó dễ cho cổ đông tham dự Đại hội…
Các đơn tố cáo liên tiếp được gửi đi trong thời điểm này, dù với mục đích gì đi nữa, cũng đã mang tới thêm những góc nhìn rõ hơn trong lùm xùm thời gian qua ở Eximbank.
Tranh chấp quyền lực tại Eximbank đã kéo dài từ cuối nhiệm kỳ trước. Nhà băng này đã tốn không ít công sức mới bầu ra được HĐQT nhiệm kỳ hiện nay, với ảnh hưởng rõ nét từ nhóm cổ đông Âu Lạc Corp của nữ doanh nhân Ngô Thu Thuý. Ở phía đối lập là nhóm Hoàn Cầu Group – Nam A Bank, dù nắm một lượng lớn cổ phần có gốc gác Trầm Bê, song suốt nhiều năm không có người đại diện phần vốn trong HĐQT Eximbank.
Phải tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 – cũng là kỳ Đại hội thành công duy nhất từ đó đến nay, bà Lương Thị Cẩm Tú – người vừa thôi nhiệm Tổng giám đốc Nam A Bank trước đó ít lâu, được bầu vào HĐQT Eximbank. Diễn biến này, cùng với sự xuất hiện của nhóm cổ đông Thành Công Group của đại gia đất Bắc Nguyễn Anh Tuấn vào đầu năm 2019 đã cơ bản thay đổi bầu không khí của Eximbank trong khoảng 2 năm qua, so với 3 năm đầu nhiệm kỳ có phần êm ả hơn.
Ở thời điểm hiện tại, có thể nhìn nhận có hai nhóm cổ đông đối đầu nhau ở Eximbank, là nhóm ủng hộ bà Lương Thị Cẩm Tú (có cổ đông ngoại SMBC) và nhóm Thành Công Group – Âu Lạc Corp. Trong đó, dựa theo tỷ lệ cổ phần tham dự Đại hội cổ đông bất thường lần 1 ngày 30/6 (51,92%), thì nhóm bà Lương Thị Cẩm Tú đang nắm ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên ở HĐQT gồm 9 người lại là một câu chuyện khác, khi mà nữ doanh nhân quê Khánh Hoà chỉ nhận được sự ủng hộ của hai thành viên là ông Đặng Anh Mai và ông Hoàng Tuấn Khải; 6 thành viên gồm các ông Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Lê Văn Quyết, Saitoh và Ngô Thanh Tùng đứng hẳn về phía còn lại. Nên biết rằng 4/6 người này đã hoặc đang nắm quyền Chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Quốc, ông Tùng (nhận uỷ quyền), ông Ninh và hiện là ông Saitoh.
Cho tới nay, Eximbank mới phát đi một thông cáo sau đơn tố cáo thứ nhất, khẳng định HĐQT hiện vẫn đang hoạt động có hiệu quả và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật: “Cho đến nay, Eximbank đang hoạt động ổn định và kiểm soát tốt các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như các hoạt động hàng ngày”.
Nhóm 6 thành viên này đã và đang chi phối mọi hoạt động của HĐQT Eximbank, trong đó có việc chấp nhận vi phạm Điều lệ và luật Doanh nghiệp, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 lần 2. Trước đó, cũng 6 lãnh đạo này đã bị NHNN xử phạt hành chính vì không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 theo triệu tập hợp pháp của cổ đông lớn SMBC.
“Phép tính” của HĐQT Eximbank
Vậy thì vì sao những thành viên này lại trì hoãn ĐHĐCĐ bất thường, dù nhận thức rõ có thể tiếp tục bị phạt? Nên biết rằng trong khi Đại hội thường niên năm 2020 bầu ra HĐQT, BKS khoá mới, thì Đại hội bất thường năm 2019 theo triệu tập của SMBC lại tập trung thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm với từng thành viên. Như đã lưu ý, nhóm ủng hộ bà Lương Thị Cẩm Tú đang nắm quá bán cổ phần Eximbank, đồng nghĩa với nguy cơ rất lớn đối với nhóm 6 thành viên một khi bị đưa ra bình bầu trước toàn thể ĐHĐCĐ. Mà ở thời điểm chuyển giao hiện tại, HĐQT có vai trò then chốt khi có thể giới thiệu một tỷ lệ lớn ứng viên tham gia HĐQT khoá mới như diễn biến tại ĐHĐCĐ cuối năm 2015.
Cùng với đó, càng kéo dài thời gian tại vị, đồng nghĩa với việc nhóm 6 thành viên này tiếp tục nắm quyền tại Eximbank. Kể từ Nghị quyết 231 ngày 15/5/2019 cho đến cuối tháng 6/2020, HĐQT Eximbank đã ban hành tới… 511 nghị quyết, trong đó có không ít nội dung quan trọng như nhiều lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc cùng nhân sự cấp cao ở các chi nhánh, phòng ban… Số lượng nghị quyết khổng lồ này được ban hành sau Nghị quyết HĐQT số 231 mang tới nhiều tranh cãi có nội dung “phế” vị trí Chủ tịch của bà Lương Thị Cẩm Tú.
Nghị quyết mang tính bước ngoặt này được cho là do ông Lê Minh Quốc tự ký, không có biên bản họp có chữ ký của chủ toạ Đặng Anh Mai và tất cả các thành viên dự họp. Tính hợp pháp của Nghị quyết 231 tới nay vẫn là dấu hỏi lớn, và là cơ sở để nhóm bà Lương Thị Cẩm Tú không công nhận các Nghị quyết HĐQT sau này, bao gồm các lần thay đổi Chủ tịch HĐQT, cũng như miễn nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Anh Mai vừa qua.
Với bối cảnh như vậy, không bất ngờ nếu nhóm 6 thành viên đang giữ luôn ghế Chủ tịch HĐQT tiếp tục trì hoãn Đại hội bất thường năm 2019, chỉ đồng ý tiến hành sau Đại hội thường niên 2020. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ đông đối lập cũng chỉ chấp thuận tổ chức Đại hội bất thường năm 2019 để giải quyết tất cả các tồn tại rồi mới đến Đại hội thường niên năm 2020 để bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.
Sau hai lần tổ chức ở TP.HCM, Đại hội thường niên năm 2020 lần 3 dự kiến diễn ra ngày 17/8 tới đây tại Hà Nội. Dù không còn yêu cầu về túc số, song khả năng thành công của Đại hội không khó để thấy, là rất thấp, khi nhóm cổ đông nắm quá bán cổ phần nhiều khả năng sẽ phủ quyết quy chế họp để khiến Đại hội bất thành.
Nếu kịch bản này diễn ra, ĐHĐCĐ thường niên, theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ, sẽ không hẹn ngày tổ chức lại, có nghĩa rằng HĐQT Eximbank sẽ giữ nguyên trong một khoảng thời gian nữa. Quãng thời gian đó sẽ giúp nhóm chi phối trong HĐQT nhà băng này tiếp tục phát huy được lợi thế, đồng thời tìm cách phá vỡ các mắt xích liên kết trong nhóm cổ đông đối lập.
“Cuộc chiến vương quyền” tại Eximbank, bởi vậy vẫn chưa có hồi kết.