Trong năm 2020, hàng loạt ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn trong đó có cả nhóm Big4, tuy nhiên số ngân hàng bắt đầu thực hiện lại không nhiều. Việc tăng vốn đang bị dồn lại trong nửa cuối năm.
Vốn điều lệ các ngân hàng đã thay đổi ra sao trong 6 tháng đầu năm?
Thống kê theo báo cáo tài chính quí II của 27 ngân hàng và báo cáo tài chính 2019 của Agribank, tổng số vốn điều lệ của 28 ngân hàng là 416.089 tỉ đồng. Trong đó, 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất là 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh và Techcombank, với mức vốn điều lệ đều trên ngưỡng 30.000 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, có 4/27 ngân hàng đã tăng vốn điều lệ gồm MB, SHB, OCB và LienVietPostBank.
Cụ thể, đầu năm MB đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỉ đồng lên 24.417 tỉ đồng. SHB cũng đã chào bán thành công 300 triệu cổ phiếu đưa tổng vốn điều lệ lên 17.558 tỉ đồng hay OCB đã tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỉ đồng lên 8.767 tỉ đồng qua bán vốn.
Bên cạnh đó, LienVietPostBank đã phát hành 88 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức, qua đó nâng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 8.944 lên 9.768 tỉ đồng.
Các ngân hàng chạy đua tăng vốn
Mặc dù mới chỉ có 4 ngân hàng thực hiện tăng vốn trong nửa đầu năm nhưng số lượng các ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm lại không hề ít. Không riêng nhóm 4 ông lớn gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đang chờ phê duyệt kế hoạch thì hàng loạt ngân hàng cổ phần cũng chạy đua tăng vốn.
Mới đây nhất, NHNN đã chấp thuận cho hai ngân hàng tăng vốn điều lệ là Bac A Bank và ACB.
Cụ thể, ACB tăng vốn điều lệ từ hơn 16.627 tỉ đồng lên gần 21.616 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tại ĐHĐCĐ hồi tháng 6, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tỉ lệ 30% để trả cổ tức năm 2019. Thời gian phát hành dự kiến vào quí IV năm nay.
Cùng với ACB, NHNN cũng cho phép Bac A Bank tăng vốn điều lệ từ 6.500 tỉ đồng lên 7.085 tỉ đồng, theo phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm 58,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỉ lệ chia là 9,0%.
Tại HDBank, ngân hàng này cho biết sẽ phát hành gần cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 50% và gần cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 15%, qua đó nâng vốn điều lệ từ gần 9.810 tỉ đồng lên 16.088 tỉ đồng. Dự kiến nếu phát hành xong trong năm nay, HDBank là ngân hàng có mức tăng trưởng vốn điều lệ cao nhất trong ngành.
Hay như MB vẫn còn kế hoạch tăng vốn điều lệ đợt 2 bằng chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, qua đó dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ của ngân hàng này lên 27.988 tỉ đồng. Phương án dự kiến được thực hiện trong quí III đến quí IV của năm 2020.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng có kế hoạch nâng vốn bao gồm TPBank, SCB, VietA Bank,…
Big4 vẫn chờ gỡ khó từ tăng vốn
Nhìn chung, trong thời gian qua, các ngân hàng vốn nhà nước gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn so với các ngân hàng tư nhân do các phương án cần sự phê duyệt của nhiều cấp thẩm quyền hơn.
Đơn cử, trong nhiều năm nay, vốn điều lệ của VietinBank không được bổ sung thêm. Theo nhận định của Chủ tịch Lê Đức Thọ trong trong ĐHĐCĐ, việc tăng vốn điều lệ là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển của VietinBank. Ông cho rằng việc tăng vốn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới.
Giống với VietinBank, nhiều năm qua, Agribank chưa được đầu tư bổ sung vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Agribank hiện ở mức 30.591 tỉ đồng.
Khác với hai ngân hàng trên, Vietcombank và BIDV lại có vẻ lạc quan hơn với kế hoạch tăng vốn rõ ràng.
Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỉ lệ 18%, đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ với qui mô 6,5% vốn điều lệ chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Nếu hai kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỉ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỉ đồng.
Tương tự, trong ĐHĐCĐ hồi tháng 3, cổ đông BIDV cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng (tương ứng tăng 15,5%) lên 46.432 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong đó, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7%. Đồng thời, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng gần 341,5 triệu cổ phần, tương đương 8,5% vốn điều lệ hiện tại. Thời gian phát hành dự kiến trong quí III đến quí IV/2020.
Vào kì họp quốc hội tháng 6, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết NHNN đã có tờ trình Chính phủ đề xuất phương án tăng vốn cho các ngân hàng có vốn lớn nhà nước. Với trường hợp của Agribank, Chính phủ đã có tờ trình gửi tới Quốc hội về việc bổ sung khoảng 3.500 tỉ đồng vốn điều lệ cho ngân hàng.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa nhận được phê duyệt chính thức nào về việc tăng vốn bằng các hình thức cho các ông lớn này.
Lê Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng