Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi vừa được công bố, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.
Dự thảo sửa đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi trên là theo quy định tại khoản 2 điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi, theo đó Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng thời kỳ. Từ ngày 5-8-2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Mức này đã tăng lên từ các mức thấp hơn trước đó, như 30 triệu đồng năm 1999.
Xung quanh Luật Bảo hiểm tiền gửi nói chung và quy định về mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi nói riêng có một số vấn đề mà nhiều người dân vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ.
Dự thảo quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi quy định mức tối đa chi trả cho một khoản tiền gửi là 125 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với mức hiện hành.
Thứ nhất, tại sao phải điều chỉnh (tăng) mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từng thời kỳ?
Trong dự thảo hay các văn bản liên quan đều không có giải thích, nhưng có thể thấy lạm phát là một trong số những lý do đằng sau sự điều chỉnh này. Lạm phát sẽ làm cho giá trị danh nghĩa tài sản của người gửi tiền tăng lên trong khi giá trị thực không nhất thiết tăng tương ứng. Nếu vẫn giữ nguyên mức chi trả 30, 50, hoặc 75 triệu đồng như trước cho người gửi tiền với cùng một khoản tiền không đổi (đã điều chỉnh theo lạm phát) thì rõ ràng phần thiệt nghiêng hẳn về phía người gửi tiền khi có “biến” xảy ra. Và đồng nghĩa với điều này là người gửi tiền ít an tâm, ít động lực hơn để gửi tiền vào hệ thống ngân hàng do không còn được bồi thường đáng kể so với số tiền mình gửi vào ngân hàng khi ngân hàng mất khả năng thanh toán.
Lý do khác cho việc phải điều chỉnh mức chi trả cũng liên quan đến chuyện an tâm của người gửi tiền. Tùy theo từng giai đoạn, nếu người gửi tiền thấy có nhiều rủi ro hơn ở hệ thống ngân hàng trong một thời điểm nào đó thì việc điều chỉnh nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là cần thiết để họ an tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng.
Vấn đề thứ hai là mức chi trả bảo hiểm 125 triệu đồng theo dự thảo này có phù hợp hay không? Để có câu trả lời, hãy tham khảo thực tế ở một số nước. Ở Singapore, mức chi trả bảo hiểm tối đa là 75.000 đô la Singapore (tương đương khoảng 1,267 tỉ đồng theo tỷ giá hiện tại). Ở Mỹ, mức này là 250.000 đô la Mỹ (5,8 tỉ đồng). Các nước khác trong khu vực có mức cụ thể quy đổi ra tiền đồng là 3,1 tỉ đồng (Indonesia), 1,368 tỉ đồng (Malaysia), 236 triệu đồng (Philippines), 1,55 tỉ đồng (Ấn Độ), và 3,691 tỉ đồng (Thái Lan)… Cũng có những nước không giới hạn mức chi trả tối đa như Myanmar, tức là Chính phủ sẽ bồi thường toàn bộ tiền gửi nếu ngân hàng phá sản.
Như vậy, xem ra mức chi trả bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam, kể cả sau khi đã điều chỉnh tăng lên 125 triệu đồng, vẫn rất thấp so với thế giới và khu vực. Mức thu nhập bình quân đầu người thấp hay trạng thái phát triển kinh tế yếu kém có lẽ không phải là lý do, vì những nước trong khu vực có mức thu nhập thuộc nhóm trung bình thấp như Myanmar, Ấn Độ, Indonesia và Philippines cũng vẫn có mức chi trả cao hơn Việt Nam nhiều lần.
Ngoài ra, xét về tương quan giữa số tiền gửi với mức được bồi thường, tuy không có số liệu cụ thể nhưng chỉ nói đơn giản là số người gửi tiền tỉ ở Việt Nam hiện nay (tương đương với vài chục ngàn đô la Mỹ) không hiếm, nhưng rõ ràng số tiền bảo hiểm họ có thể nhận được từ cơ quan bảo hiểm tiền gửi khi ngân hàng mình gửi tiền phá sản chỉ là 125 triệu đồng là không hợp lẽ cho lắm khi so sánh với thế giới.
Vấn đề thứ ba chưa được nhiều người hiểu rõ là mức chi trả bảo hiểm tối đa 125 triệu đồng này được tính như thế nào cho từng cá nhân người gửi tiền. Có thể lý do cho sự không hiểu rõ này là do Luật Bảo hiểm tiền gửi và các quy định liên quan không giải thích rõ.
Cũng giống như ở các nước khác, ở Việt Nam, có thể hiểu rằng nếu người gửi tiền gốc và lãi tại một ngân hàng có tổng cộng là, ví dụ, 100 triệu đồng, thì số tiền nhận được từ bảo hiểm tiền gửi sẽ là 100 triệu đồng. Nếu tổng số này là 1 tỉ đồng thì người này sẽ chỉ nhận được tối đa 125 triệu đồng.
Liên quan đến mức chi trả tối đa này, chắc chắn sẽ có nhiều người nảy ra “sáng kiến” – sẽ chỉ gửi tối đa ở một ngân hàng là, chẳng hạn, 115 triệu đồng (để sao cho cộng cả gốc lẫn lãi không vượt quá 125 triệu đồng). Như vậy thì dù ngân hàng có phá sản, người gửi tiền vẫn hoàn toàn an tâm tài sản của mình sẽ không bị sứt mẻ đồng nào.
Điều này là đúng…nhưng cần phải cân nhắc thêm mấy yếu tố. Trước tiên là số tiền mình có và định gửi vào ngân hàng. Nếu định gửi tiền (nhiều) tỉ đồng thì cách này hơi… bất tiện! Lúc đó, người gửi sẽ phải tìm các ngân hàng khác để gửi mỗi nơi một ít (không quá 115 triệu đồng). Tiếp đó, các ngân hàng khác có lãi suất như thế nào? Nếu thấp quá sẽ không hấp dẫn, trong khi “theo tính toán của mình”, ngân hàng mình định gửi không quá rủi ro nhưng lãi suất lại hơn hẳn các nơi khác thì “dại gì không gửi” tất cả/phần lớn số tiền mình có và định gửi, dù chỉ được bảo hiểm tối đa 125 triệu đồng?
Như vậy, cũng giống như nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn vào xếp hạng tín dụng của các nhà phát hành chứng khoán, trái phiếu để quyết định rót vốn đầu tư tùy theo khẩu vị rủi ro của mình, người gửi tiền ở Việt Nam cũng cần phải cân nhắc giữa mức độ rủi ro của ngân hàng định gửi tiền, số tiền mình có, và khẩu vị rủi ro của mình để quyết định có gửi vào ngân hàng đó không và gửi bao nhiêu, với nhận thức rõ rằng trong trường hợp xấu thì chỉ nhận lại được tối đa là 125 triệu đồng từ bảo hiểm tiền gửi.
Trên hết, NHNN và Chính phủ cũng cần cân nhắc nâng mạnh hơn nữa mức chi trả bảo hiểm tối đa để phù hợp với mức hiện tại trong khu vực và trên thế giới.
Theo The Saigontimes