Phía sau những thương vụ M&A tỷ đô giữa bối cảnh nền kinh tế và thị trường bất động sản đang “chùng xuống” do đại dịch COVID-19 là không ít nguy cơ vẫn còn để ngỏ.
Ở bài trước, chúng tôi đã thông tin về những hoạt động M&A trong thời điểm này và khuyến cáo những lưu ý với doanh nghiệp. Bởi thị trường M&A sẽ tiếp tục biến đổi và các dự báo của các ngành kinh tế và lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng sẽ có những đặc điểm và phương hướng đặc thù cho thị trường này.
Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào bất động sản công nghiệp Việt Nam thông qua việc M&A các dự án
Với nhóm ngành bất động sản, trong bối cảnh thị trường này đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất do đại dịch COVID-19 gây ra, việc xuất hiện những dòng vốn ngoại hết sức dồi dào sẵn sàng thâu tóm “gọn gàng” các doanh nghiệp và dự án BĐS đang gặp khó trong nước với mức giá rẻ cũng ẩn chứa không ít nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng vấn đề nhãn tiền hơn đó là cần xem xét toàn diện các nguy cơ đến từ các thương vụ M&A không thân thiện theo kiểu “tìm diệt, nuốt chửng”. Đối với vấn đề này, trong báo cáo trình Chính phủ ghi nhận ghi nhận tình hình thực tế và tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội trên cả nước của VCCI cũng đã có nội dung đề cập đến tình trạng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ…
Cũng trong báo cáo này, các Hiệp hội, doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ có thể tham khảo các giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp trong nước như kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nội địa, cân nhắc phương án mua cổ phần tại các doanh nghiệp chủ chốt của nền kinh tế.
(Theo Enternews)