Chi phí dự phòng rủi ro đang là nhân tố ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh do áp lực dự phòng nhưng không ít nhà băng hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí này.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa trong nửa đầu năm
Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí II cho thấy, trong 6 tháng đầu năm tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 62.700 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kì.
Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, ngân hàng là ngành hiếm hoi vẫn có được mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, đà tăng trưởng diễn ra không đồng đều và có sự phân hóa mạnh với 9/28 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận so với cùng kì 2019.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, sự phân hóa có thể thấy từ mức tăng trưởng lợi nhuận giữa VietinBank và hai nhà băng còn lại.
6 tháng đầu năm, Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Vietcombank và ngân hàng đứng sau đã được thu ngắn lại khi lợi nhuận giảm gần 3%. Tương tự, lợi nhuận trước thuế của BIDV cũng giảm hơn 5%, xuống 4.454 tỉ đồng.
Ngược lại, VietinBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến gần 40% và trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai hệ thống trong nửa đầu năm.
TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất nửa đầu năm 2020
Trong nhóm ngân hàng tư nhân, sự phân hóa còn diễn ra còn diễn ra mạnh mẽ hơn khi hình thành ba nhóm rõ rệt theo mức độ tăng trưởng lợi nhuận.
Nhóm tăng trưởng lợi nhuận rất mạnh như Viet A Bank (tăng 124%), PG Bank (tăng 75%), OCB (tăng 67%), MSB (tăng 72%), SeABank (tăng 64%); …
Nhóm thứ hai gồm những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn gồm SHB (tăng 1,5%), MB (tăng 5%), ACB (tăng 5,4%), NCB (tăng 13,2%), VietBank (tăng 15,2%),…
Nhóm thứ ba là các nhà băng sụt giảm lợi nhuận như Sacombank (giảm 2,2%), LienVietPostBank (giảm 10,1%), BacABank (giảm 18,9%), Eximbank (giảm 27,6%), Nam A Bank (giảm 54,9%),…
Chi phí dự phòng là nhân tố mấu chốt
Theo thống kê từ số liệu báo cáo tài chính, tổng chi phí dự phòng rủi ro ở mức 41.200 tỉ đồng, chiếm 40% lợi nhuận trước dự phòng của 28 ngân hàng và tăng gần 18% so với cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy sự chi phối mạnh mẽ của chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đối với lợi nhuận các ngân hàng.
Thực tế trong 6 tháng đầu năm, những ngân hàng trích mạnh dự phòng rủi ro đều có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hoặc giảm so với cùng kì năm trước.
Điển hình là trường hợp của SCB, mặc dù các mảng kinh doanh vẫn tăng trưởng với cùng kì 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm hơn 79% do chi phí dự phòng tăng gấp 6,6 lần. Chi phí dự phòng gấp 6,2 lần cùng kì 2019 cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Nam A Bank giảm 55%.
Hay tại Eximbank, việc trích lập 220 tỉ đồng thay vì được hoàn nhập 43 tỉ đồng dự phòng như cùng kì năm trước làm cho lãi trước thuế của nhà băng này giảm 27,6%.
Nửa đầu năm, việc tăng gần 21% chi phí dự phòng cũng khiến cho lợi nhuận Vietcombank giảm gần 3% cho dù lợi nhuận thuần của nhà băng này vẫn tăng trưởng 2,5% so với cùng kì 2019. Tương tự, lợi nhuận ACB và MB cũng chỉ tăng 5% do áp lực dự phòng, còn Sacombank cũng chấp nhận mất hơn một nửa lợi nhuận thuần để làm dày “tấm đệm” phòng thủ nợ xấu.
Trong khi lợi nhuận một số ngân hàng bị “ăn mòn” bởi chi phí dự phòng rủi ro thì một số nhà băng lại hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm loại chi phí này.
Trong 6 tháng đầu năm VietinBank ghi nhận khoản lãi 7.460 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kì. Nhưng kết quả này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà chủ yếu do việc giảm dự phòng rủi ro (giảm 10,6%). Thậm chí, dự phòng rủi ro tín dụng trong quí II của VietinBank giảm gần một nửa so với cùng kì 2019.
Giống như VietinBank, lợi nhuận của VPBank cũng tăng 51% nhờ sự đóng góp của việc cắt giảm chi phí dự phòng. PG Bank và Saigonbank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 74,6% và 42% nhờ giảm 40,7% và 86,2% loại chi phí này.
Việc trích lập dự phòng rủi ro nhiều hay ít phụ thuộc vào chính sách quản trị rủi ro cũng như tình trạng nợ xấu của từng ngân hàng. Đồng thời, dự phòng rủi ro cũng có thể được sử dụng như một công cụ điều tiết lợi nhuận, cân bằng giữa lợi ích hiện tại và rủi ro trong tương lai. Một ngân hàng có thể trích lập vượt dự phòng yêu cầu để có tấm đệm phòng thủ rủi ro dày hơn hoặc ngược lại.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2020, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết đến cuối tháng 6, ngân hàng đã trích dự phòng vượt yêu cầu 4.300 tỉ đồng. Theo ông Thành, động thái này là nhằm chuẩn bị cho những diễn biến khó lường từ tác động của dịch COVID-19.
“Hiện nay, tỉ lệ nợ xấu của chúng ta chỉ ở mức 0,82% tuy nhiên trước diễn biến của dịch COVID-19, các ngân hàng trong nước sẽ chịu tác động rất lớn. Do vậy, Vietcombank dự kiến tỉ lệ nợ xấu lên tới 1,5% trong năm nay… Với mức tăng của tỉ lệ nợ xấu từ 0,82% lên 1,5%, Vietcombank đã dự phòng cho sự tăng lên của trích lập dự phòng cụ thể”, ông Thành cho biết.
Quang Hưng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Link gốc: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/loi-nhuan-ngan-hang-phan-hoa-manh-20200807183854745.htm