Ảnh minh họa.
Những “dấu trừ” đã xuất hiện…
Trước khi Covid-19 xuất hiện, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) nối dài chuỗi các quý tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp, tốc độ phổ biến ở mức hai con số, thậm chí tính bằng lần.
Nhưng, kỳ báo cáo này, 6 tháng 2020, “dấu trừ” đã xuất hiện tại nhiều thành viên, cả những NHTM lớn thể hiện tốc độ tăng lợi nhuận ấn tượng thời gian qua như Vietcombank, hay ngân hàng lớn BIDV, hay ở LienVietPostBank đã chủ động xác định chỉ tiêu thận trọng…
Đáng chú ý, BCTC quý II/2020 của Ngân hàng NamABank cho thấy, 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng với tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 7,2%, đạt 1.194 tỷ đồng.
Dù vậy, chi phí hoạt động lại tăng 14,4% trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt gấp 6,3 lần khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng chỉ còn 201 tỷ đồng, giảm tới 54,6% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.
So với kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng được đại hội đồng cổ đông giao trong năm nay, ngân hàng mới chỉ hoàn thành được 25%.
Trước đó, ngân hàng này đã có một năm 2019 khá thành công khi phần lớn các chỉ tiêu kinh doanh đều cán đích, thậm chí là vượt kế hoạch được giao với tổng tài sản tăng 26%, huy động vốn thị trường 1 tăng 32,2%, dư nợ cho vay thị trường 1 tăng 32,9% so với năm 2018.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức gần 925 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước và vượt 16% so với kế hoạch được giao. Đây cũng là năm ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục của ngân hàng từ trước tới nay.
Dù vậy, như trên, sang 6 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh của ngân hàng đã có sự đi xuống rõ rệt.
Tương tự, Kienlongbank cũng là một trong những nhà băng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong 6 tháng qua khi phần lớn các mảng kinh doanh đều có dấu hiệu sa sút.
Riêng trong quý II/2020, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 46 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận 103 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, Kienlongbank mới chỉ hoàn thành 13,7% kế hoạch lợi nhuận của cả năm (750 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng có diễn biến xấu đi khi tổng nợ xấu tăng tới 6,6 lần so với đầu năm, lên gần 2.249 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu, do đó, bị kéo lên tới 6,59%/tổng cho vay, so với mức chỉ 1% hồi đầu năm.
Tại BIDV, nếu như kết thúc năm 2019, ngân hàng đạt lợi nhuận kỷ lục gần 10.900 tỷ đồng, tăng trưởng 15,8% so với năm trước thì sang 6 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh bất ngờ giảm 5,4% so với cùng kỳ, xuống còn 4.454 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối tháng 6, BIDV cũng ghi nhận tổng tài sản của ngân hàng giảm tới 2,93% so với thời điểm đầu năm. Tín dụng của ngân hàng đã tăng trưởng dương trở lại (tại thời điểm cuối quý I/2020, tín dụng ngân hàng tăng trưởng âm) nhưng vẫn còn khá khiêm tốn với mức tăng chỉ 2%.
Theo báo cáo mới công bố của BacABank, lợi nhuận trước thuế riêng quý II/2020 giảm 8,5% so với cùng kỳ, đạt gần 175 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 6,2%, cộng thêm với sự tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro (hơn 45%) đã khiến lợi nhuận trước thuế ngân hàng giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
Những mảng màu sáng…
Bên cạnh những ngân hàng có dấu hiệu đứt gãy tăng trưởng lợi nhuận, bức tranh ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận những mảng màu sáng với lợi nhuận nhiều nhà băng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
MSB là một ví dụ. Trong 6 tháng qua, phần lớn các mảng kinh doanh của ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, bao gồm thu nhập lãi thuần tăng 68,2%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 73,4%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp đôi trong khi lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư tăng tới gần 8 lần,…
Theo đó, dù chi phí hoạt động tăng 57,6%, chi phí dự phòng rủi ro tăng 88,4% nhưng ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 974 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tới 72% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tại SeABank, mặc dù hai hoạt động chính là tín dụng và hoạt động dịch vụ của ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ trong quý II nhưng bù lại, nguồn thu từ các hoạt động khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác lại tăng mạnh.
Điều này giúp lợi nhuận trước thuế 3 tháng quý II tăng 39% so với cùng kỳ, kéo lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước, lên 669 tỷ đồng.
Tại VPBank, hoạt động tín dụng tiếp tục mang về khoản lợi nhuận lớn, tới hơn 15,7 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Các mảng hoạt động khác cũng tăng trưởng tốt với lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng 12%, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh gấp tới 4,2 lần, lãi mảng mua bán chứng khoán đầu tư gấp 2,2 lần,…là những lý do quan trọng giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng tới gần 52% so với cùng kỳ.
Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng tốt trong 6 tháng đầu năm 2020 như VietinBank (tăng trưởng 39,8%), HDB (31,5%), VIB (29,5%), TPB (tăng 25,6%),…
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, 2020 được dự báo là một năm khó khăn với cả nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Tuy nhiên, đây cũng có thể coi như một bài “test” để kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng Việt trước những biến cố, rủi ro có tính bất thường.
Với những nhà băng có một nền tảng vững chắc cùng sự chuẩn bị và chiến lược tốt, một kết quả khả quan vẫn có thể được kỳ vọng. Và như trên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm bước đầu đã cho thấy sự phân hóa giữa các nhà băng…
TRẦN THÚY
Nguồn: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/ngan-hang/nhieu-ngan-hang-dut-gay-tang-truong-loi-nhuan-3549564.html