Dịch COVID-19 khiến cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm trở nên khó khăn hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm thêm các mức lãi suất điều hành.
Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm lên tới 1- 1,5%/năm
Đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhu cầu toàn cầu sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 2 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm lên tới 1 – 1,5%/năm; cắt giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn bằng VND để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế ứng phó với những tác động bất lợi của đại dịch.
Song song với đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn vì dịch COVID-19.
Theo NHNN, tính đến ngày 13/7/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247 nghìn khách hàng; lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Các giải pháp tiền tệ nói trên, cùng với các biện pháp hỗ trợ về tài khóa như gia hạn, miễn, giảm thuế… đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trụ vững trong cơn bão COVID-19. Nhờ đó, nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm nay. Mặc dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, song nếu so với khu vực và thế giới thì Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm nay những tưởng sẽ sáng hơn sau gần 100 ngày trong nước không xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bất ngờ diễn biến phức tạp trở lại. Chỉ trong vòng mấy ngày đã xuất hiện hàng chục ca lây nhiễm COVID-19 mới ngoài cộng đồng, ở nhiều địa phương trong cả nước. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi của doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế.
Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua những khó khăn mới nảy sinh. Trên thực tế, ngay cả khi chưa xuất hiện thêm các ca lây nhiễm mới ngoài cộng đồng, không ít tổ chức cũng đã dự báo NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
“Chúng tôi đánh giá vẫn còn khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay”, Công ty chứng khoán KBSV nhận định.
Nay khi dịch bệnh bất ngờ trở lại, yêu cầu cắt giảm thêm lãi suất điều hành càng trở nên bức thiết hơn, đặc biệt khi lạm phát đang có xu hướng giảm tốc mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước; tuy nhiên tính chung 7 tháng đầu năm, CPI vẫn giảm 0,19% – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt, CPI bình quân tiếp tục giảm tốc về còn 4,07% trong tháng 7 từ mức 4,19% của tháng 6 và đang tiệm cận dần về mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra.
Hơn nữa theo các chuyên gia, việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành không đồng nghĩa với việc nới lỏng hơn tiền tệ nên cũng không có nhiều tác động đến lạm phát. Trên thực tế nhiều năm gần đây, NHNN rất ít sử dụng công cụ lãi suất mà chủ yếu điều hành thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền cung ứng và công cụ hạn mức tín dụng.
“NHNN vẫn còn dư địa giảm mặt bằng lãi suất, nhưng điều này còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới 3% trong năm nay, thì còn cơ hội cho một đợt giảm lãi suất điều hành”, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính nhận định.
Theo Hà Anh/Enternews