Dù lãi suất tiền gửi và cho vay đều giảm nhưng dòng tiền vẫn đang thể hiện sự cẩn trọng và dè dặt khi đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Động thái của hàng loạt ngân hàng trong những tháng gần đây là giảm lãi suất. Cụ thể, 4 ngân hàng quốc doanh giảm 30 – 50 điểm cơ bản trên lãi suất 6 tháng. Trong đó, Vietcombank hạ lãi suất 6 – 9 tháng từ 4,9% xuống 4,4 – 4,6%, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 6,5 – 6,6% xuống 6%. Hoạt động này tương tự cũng diễn ra tại VietinBank, Agribank và BIDV.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi của ACB giảm 60 điểm cơ bản, từ 5,9 – 6,2% xuống 5,3 – 5,6%, tùy từng giá trị tiền gửi. Lãi suất 9 – 12 tháng giảm 50 điểm cơ bản xuống 5,7 – 5,8%.
Sacombank cũng hạ lãi suất cho vay 5 – 15 điểm cơ bản, dao động 3,9 – 4%/năm. Kỳ hạn 6 – 12 tháng giảm 30 điểm cơ bản, xuống 5,7 – 6,5%. Các kỳ hạn 15 – 36 tháng của ngân hàng giảm 20 điểm cơ bản xuống 6,5 – 6,7%/năm.
Lãi suất Eximbank cũng giảm tại tất cả các kỳ hạn 20 – 40 điểm cơ bản. Trong đó, lãi suất dưới 6 tháng dao động 3,5 – 3,7%, 6 – 12 tháng 5,6 – 5,8% và từ 12 tháng trở lên dao động 6 – 6,2%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn neo lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 – 13 tháng trên 8%/năm nhưng kèm điều kiện. Điển hình như SHB là ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi cao nhất trong hệ thống ở 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng kèm điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Nhìn chung, hiện tại, lãi suất tiền gửi các ngân hàng phổ biến ở mức 3,5 – 4,25%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 4,4 – 6,7%/năm đối với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 5,5 – 7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.
Ảnh minh hoạ.
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường tiền tệ của SSI cho rằng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ chưa có khả năng đảo chiều trong thời gian sắp tới khi thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang phát ra tín hiệu dư thừa cùng với nhu cầu cho cho vay chưa thật sự khởi sắc.
Lãi suất ngân hàng hạ được đánh giá sẽ là cơ hội để dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thực tế, thời gian vừa qua, dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản ồ ạt đã không xảy ra.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, về logic, khi ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi và cho vay, thì người có tiền trong ngân hàng sẽ rút ra mua đất do gửi tiền ăn lãi thấp quá, đồng thời mua đất và đi vay với lãi suất tốt. Tuy nhiên bất kỳ một hoạt động kinh tế, đầu tư nào cũng được tác động của nhiều lực.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Hiển lý giải, trong trường hợp hiện nay, lãi suất giảm do ngân hàng không cho vay được (những khoản vay tốt, vay chuẩn) vì thiếu người vay. Đó là tình hình thật sự không chỉ thông qua tỷ lệ tăng trưởng 6 tháng 2,45%, bằng phân nửa năm 2019.
“Thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng đang vất vả tìm khách cho vay, trong đó họ thích nhất là cho vay mua bất động sản vì có thế chấp an toàn nhưng tìm vẫn chưa đủ chỉ tiêu tín dụng được giao”, ông Hiển chia sẻ.
Như vậy, lãi suất giảm có nguyên nhân quan trọng từ người vay mua bất động sản giảm, tức là người dân chưa mặn mà việc mua nhà đất. Do họ cũng đang gặp hoặc phòng ngừa sự suy giảm thu nhập từ suy thoái kinh tế. Nếu như từ tháng 5 trở về trước chỉ những người làm việc và kinh doanh liên quan đến du lịch, dịch vụ và xuất khẩu gặp khó khăn, thì trong tháng 6 hiệu ứng đã lan tỏa các lĩnh vực khác, do lực mua hàng giảm và thiếu nợ dây chuyền không trả…
“Thực tế có những giai đoạn lãi suất khá cao, nhưng nhà đầu tư vẫn bỏ tiền ra mua nhà đất vì thấy cơ hội tăng. Trong trường hợp này thì ngược lại, dù lãi suất có giảm nhưng nhà đầu tư chưa vội xuống tiền vì đang gặp khó về thu nhập, hoặc chưa thấy khả năng tăng giá”, ông Hiển cho biết.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tác động của lần điều chỉnh lãi suất đến quyết định đầu tư vào bất động sản là không đáng kể, vì lãi suất giảm không nhiều.
Ông Lực cho rằng, lãi suất chỉ là một vấn đề trong câu chuyện đầu tư, vì ngoài ra, nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều đến các rủi ro. Chính vì vậy, xu hướng là đang đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, có thể là cả vàng, chứng khoán, tiền gửi hay lĩnh vực khác chứ không chỉ bất động sản, tức không bỏ tất cả trứng vào một giỏ.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài sẽ khiến dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản dè dặt, nhất là làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể sớm quay trở lại.
Hải Nam