Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang chịu áp lực không nhỏ khi nợ vay vượt đáng kể vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở mức gần 11.400 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó lên đến 3,1 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của HVN vào khoảng 38.000 tỷ đồng.
Do tác động của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, HVN ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu thuần đạt 24.808 tỷ đồng, giảm 50,1% so với cùng kỳ năm ngoái; đặc biệt, HVN ghi nhận mức lỗ lên đến 6.678 tỷ đồng.
Báo cáo cập nhật cổ phiếu HVN của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong vài năm tới, HVN sẽ chịu áp lực không nhỏ từ tình hình cạnh tranh và khả năng suy giảm thị phần do 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thu nhập người dân bị ảnh hưởng và chính sách cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp dự kiến sẽ đẩy mạnh xu hướng sử dụng hãng hàng không giá rẻ cho mục đích di chuyển trong thời gian tới.
Thứ hai, thị trường vận tải hàng không xuất hiện các doanh nghiệp mới. Thứ ba, Vietjet (HoSE: VJC) đang tích cực mở rộng số lượng các máy bay thân rộng và gia tăng áp lực cạnh tranh với HVN tại các tuyến quốc tế.
VCBS dự báo năm 2020, HVN sẽ đạt doanh thu 33.204 tỷ đồng (giảm 66,2%), lỗ sau thuế 14.842 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo năm 2020, HVN sẽ ghi nhận lỗ 10.000 tỷ đồng.
VCSC cho rằng ngành hàng không Việt Nam rồi sẽ phục hồi khi đã cho thấy những lần quay lại mạnh mẽ sau các đại dịch và cú sốc kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi lần này vẫn còn nhiều bất ổn do các diễn biến dịch bệnh khác nhau trên khắp thế giới. Theo giả định hiện tại của công ty chứng khoán, tổng lượng sản lượng vận tải hành khách của HVN chỉ có thể quay lại con số trước dịch Covid-19 kể từ năm 2022.
VCSC định giá HVN ở mức 19.400 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện tại là 26.850 đồng/cổ phiếu.
VND – Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của VND ở mức hơn 8.400 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 99%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Vốn chủ sở hữu ở mức hơn 3.400 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó lên đến 2,4 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của VND vào khoảng 2.700 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật gần đây, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam bày tỏ ngạc nhiên với kết quả kinh doanh quý II/2020 của VND khi lợi nhuận tăng gấp đôi so với quý trước và gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận từ giao dịch tự doanh vẫn là động lực thúc đẩy. Đặc biệt, VND cũng công bố tỷ lệ phí môi giới ròng bình quân và lãi suất cho vay ở mức cao (theo ước tính của Yuanta Việt Nam) hơn so với các công ty chứng khoán lớn khác như SSI (HoSE: SSI), HSC (HoSE: HCM), VCSC (HoSE: VCI).
Theo Yuanta Việt Nam, với mức phí môi giới và biên lãi suất cho vay cao hơn các đối thủ cùng ngành, VND dường như đang tập trung vào lợi nhuận của hoạt động kinh doanh thay vì lao đầu vào cuộc chiến thị phần – một cuộc chiến mà không thể chiến thắng bằng mức phí với thế mạnh về nguồn vốn của các công ty chứng khoán có vốn nước ngoài.
Yuanta Việt Nam cho rằng đây là một tín hiệu tích cực.
Công ty chứng khoán này đặt giá mục tiêu 12 tháng của VND ở mức 13.150 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá VND hiện ở mức 12.950 đồng/cổ phiếu.
FRT – Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của FRT ở mức gần 2.600 tỷ đồng (toàn bộ là nợ vay ngắn hạn).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở mức gần 1.300 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó lên đến 2 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của FRT vào khoảng 2.000 tỷ đồng.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) đánh giá kết quả kinh doanh quý II/2020 của FRT kém, với doanh thu thuần là 3.204 tỷ đồng (giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lỗ sau thuế 20 tỷ đồng (so với lãi sau thuế đạt 101 tỷ đồng trong quý II/2019). Doanh thu thuần của chuỗi cửa hàng FPT Shop giảm trong khi việc mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu và chi phí lãi vay cao cũng tác động tiêu cực đến doanh thu.
Dù vậy, cũng có một số tín hiệu tích cực. Vốn lưu động được quản lý tốt hơn trong quý II/2020, khi hàng tồn kho giảm đáng kể xuống còn 2.335 tỷ đồng (giảm 22,9% so với quý trước) và các khoản phải thu cũng giảm xuống còn 834 tỷ đồng (giảm 21,7% so với quý trước). Điều này đã giúp dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện đáng kể, từ mức âm 134 tỷ đồng trong quý I/2020 lên 677 tỷ đồng trong quý II/2020.
Cùng với đó, các khoản nợ đã giảm hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương giảm 32% so với quý trước).
HSC dự báo doanh thu thuần năm 2020 của FRT sẽ đạt 15.522 tỷ đồng (giảm 6,7%) và lợi nhuận sau thuế là 146 tỷ đồng (giảm 31,4%). Trong năm 2021, doanh thu thuần dự báo ở mức 17.552 tỷ đồng (tăng 13,1%) và lợi nhuận sau thuế là 215 tỷ đồng (tăng 46,9%).
HSC đưa ra định giá cho FRT ở mức 15.400 đồng/cổ phiếu. Thị giá hiện tại là 24.900 đồng/cổ phiếu.
DPG – Công ty Cổ phần Đạt Phương
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Đạt Phương (HoSE: DPG), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của DPG ở mức gần 2.400 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 29%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Vốn chủ sở hữu ở mức hơn 1.200 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó lên tới 1,9 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của DPG vào khoảng 1.100 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của DPG đạt gần 970 tỷ đồng, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,3 lần.
Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.382 tỷ đồng và 229 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, công ty đã hoàn thành được 41% mục tiêu về doanh thu và 37% mục tiêu về lợi nhuận.
Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 5/2020, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng DPG khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 lên triển vọng ngành xây dựng và bất động sản.
FPTS xác định mức giá mục tiêu của DPG là 32.000 đồng/cổ phiếu (thị giá hiện tại là 25.600 đồng/cổ phiếu).
Định giá lạc quan được FPTS đưa ra dựa trên đánh giá rằng tại DPG, lĩnh vực thủy điện hiện ít rủi ro và có dòng tiền ổn định, sẽ bù đắp lại rủi ro cao trong xây dựng và bất động sản.
Cùng với đó, quỹ đất của DPG có trí địa lý thuận lợi (cách Hội An dưới 20 phút đi xe) và đủ quy mô cho DPG thực hiện trong 10 năm tới (tổng cộng trên 250 ha). Trong năm 2020, DPG đặt kế hoạch ghi nhận 958 tỷ doanh thu và 148 tỷ lợi nhuận sau thuế từ dự án Võng Nhi (15,6 ha) và Nồi Rang (19,3 ha).
FPTS cho rằng có 2 yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi đối với DPG.
Thứ nhất là nợ vay của DPG ở mức cao. Thứ hai là việc thiếu thông tin bất động sản, khi những thông tin công bố của DPG không đủ để đánh giá cụ thể tiềm năng dự án bất động sản dù lĩnh vực này có giá trị lớn.
CII – Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của CII ở mức gần 15.400 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 30%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Song song, vốn chủ sở hữu ở mức hơn 8.400 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó ở mức 1,8 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của CII vào khoảng 4.500 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật gần nhất, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị “Mua” dành CII và duy trì giá mục tiêu 24.900 đồng/cổ phiếu (thị giá hiện ở mức 18.650 đồng/cổ phiếu).
VCSC ước đoán thời điểm bàn giao của dự án 152 Điện Biên Phủ và D’verano (Lakeview 3) sẽ bắt đầu trong năm 2021, trong khi đó, dự án Diamond Riverside và dự án Sơn Tịnh ước định sẽ bàn giao trong năm 2020-2021.
Ngoài ra, VCSC cho rằng thời gian bắt đầu thực hiện thu phí dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội sẽ bắt đầu từ tháng 11/2020.
Trong năm 2020, VCSC dự báo doanh thu của CII sẽ đạt 5.200 tỷ đồng (tăng trưởng 190%) và lợi nhuận sau thuế đạt 535 tỷ đồng (tăng trưởng 173%). Các kết quả tích cực này chủ yếu được dẫn dắt bởi kỳ vọng bàn giao các dự án bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2020 và lãi tài chính từ chuyển nhượng cổ phần trong dự án Riverpark giai đoạn 1 (phần lớn khoản lãi đã được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020).
VCSC dự báo CII sẽ đạt tăng trưởng 9,5% lợi nhuận sau thuế trong 2021, lên 585 tỷ đồng, chủ yếu đến từ đóng góp cả năm của dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội. Đồng thời tiếp tục kỳ vọng CII sẽ hưởng lợi từ dòng tiền ổn định đến từ các dự án BOT trong khi ghi nhận tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ các dự án bất động sản nhà ở.
Rủi ro đối với triển vọng cổ phiếu CII đến từ khả năng các dự án bị trì hoãn; cùng với đó, tiếp tục trì hoãn thanh toán cổ tức nhằm tài trợ vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
VSH – Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của VSH ở mức gần 5.700 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 10%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở mức hơn 3.100 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó đạt con số 1,8 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của VSH vào khoảng 3.900 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, VSH lỗ sau thuế hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu sản xuất điện giảm 63% xuống chỉ còn 91,1 tỷ đồng, không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện.
Việc thực hiện dự án thủy điện Thượng Kon Tum là nguyên nhân khiến VSH phải vay nợ lớn.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), do vay nợ để đầu tư vào dự án này, VSH sẽ phải trả khoảng 1.000 tỷ đồng gốc và lãi vay hàng năm cho các ngân hàng. Năm 2020, tiền trả nợ vay cho ngân hàng là 815 tỷ đồng. Công ty đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu cho các ngân hàng, REE và BTP (công ty con của GENCO 3) trong 12 tháng qua để có dòng tiền. Dù vậy, lượng này sẽ không đủ cho các nghĩa vụ tài chính trong trung hạn.
Tuy nhiên, đại hội cổ đông VSH không thể thông qua nghị quyết phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để tài trợ cho dự án Thượng Kon Tum do chỉ 66% cổ đông tán thành. Trong cơ cấu nắm giữ, REE nắm 49,7%, GENCO 3 nắm giữ 37%, nhà đầu tư tổ chức 10%.
VDSC cho rằng cổ đông nhà nước nhiều khả năng đã phản đối và sẽ tiếp tục không đồng ý rót thêm tiền vào dự án, nhưng áp lực phải tìm ra giải pháp vẫn sẽ đè nặng lên VSH khi mà hoạt động trả nợ sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
HDG – Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của HDG ở mức hơn 6.000 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 18%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu ở mức gần 3.800 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó ở mức 1,6 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của HDG vào khoảng 3.800 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của HDG đạt 3.026 tỷ đồng, tăng tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu ở mảng bất động sản và năng lượng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt mức tăng 48%, lên 774 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 5/2020, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá kế hoạch ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho mảng bất động sản trong năm 2020 của HDG là tương đối chắc chắn, hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của ban lãnh đạo công ty.
Tại dự án Centrosa Garden, HDG đã bán gần như 100% căn hộ cho khách hàng, và sẽ ghi nhận doanh thu theo tiến độ bàn giao đến năm 2021. VDSC dự báo HDG sẽ bàn giao tương ứng 70% và 30% phần lần lượt trong hai năm 2020 và 2021. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 sẽ phụ thuộc vào việc bán hàng các dự án mới trong năm nay, gồm có Charm Villas và Noongtha, khi nguồn ghi nhận từ dự án Centrosa Garden sẽ hết.
Nếu nhìn vào kế hoạch tương lai, VDSC nhận định HDG sở hữu tương đối nhiều quỹ đất có vị trí khá thuận lợi, tuy nhiên, do vướng một số thủ tục pháp lý nên chưa thể triển khai trong giai đoạn trước đây.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng chỉ có duy nhất dự án Charm Villas là sở hữu các yếu tố thuận lợi nhất để có thể mang lại nguồn thu lớn cho công ty, gồm: pháp lý gần hoàn thiện; cơ sở hạ tầng trong dự án đã phát triển; vị trí tại thành phố Hà Nội, cùng với sản phẩm là đất nền, phù hợp với thị hiếu của người V iệt Nam. Tuy nhiên, dự án này đã bị lùi kế hoạch bán hàng trong hơn một năm qua, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút khách đầu tư.
Yếu tố thời điểm bán hàng là cốt lõi, bởi hiện tại, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Điều này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thụ đối với dự án bất động sản mở bán trong giai đoạn tới. Tổng quy mô dự án còn khoảng 376 căn thấp tầng, tương ứng với doanh thu kỳ vọng là 3.200 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận sau thuế cho công ty mẹ là hơn 1.300 tỷ đồng.
Theo tiến độ xây dựng, đã có 185 căn biệt thự xây thô sẵn sàng để bán. Trong năm 2020, HDG sẽ chỉ cần chi trả thêm 200 tỷ đồng là hoàn thiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất, do đó rủi ro để phát triển dự án này rất thấp, trong khi nguồn thu đáng kể. Theo VDSC, HDG có thể bắt đầu bàn giao các bất động sản từ quý IV/2020, với tổng doanh thu dự kiến hơn 400 tỷ đồng trong năm.
Bên cạnh mảng bất động sản, động lực tăng trưởng mới của HDG đến từ mảng năng lượng. Đây là mảng hoạt động mà HDG đang tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển trong giai đoạn hiện tại. Trong giai đoạn 2020-2021, HDG có kế hoạch đưa vào hoạt động 4 dự án mới, với tổng công suất tăng thêm 285MW. Cụ thể, có hai dự án thủy điện, một nhà máy điện mặt trời và một nhà máy điện gió.
Trong năm 2020, chúng tôi báo mức tăng tổng sản lượng điện của HDG là 20%, đạt 450 triệu kWh. Theo đó, lợi nhuận gộp từ mảng năng lượng ước tính đạt 523 tỷ đồng (tăng trưởng 23%). Tăng trưởng chủ yếu đến từ đóng góp mới tại dự án Sông Tranh (dự kiến phát điện trong quý IV/2020) và đóng góp cả năm từ dự án Hồng Phong 4. Đối với dự án điện mặt trời Infra (Ninh Thuận), VDSC chưa đưa vào kịch bản phát điện trong năm 2020.
Về nợ vay, VDSC đánh giá dù nợ vay của HDG ở mức cao nhưng không quá áp lực do dòng tiền dồi dào.
Phân tích sâu hơn, công ty chứng khoán này cho biết nợ vay của HDG đa phần được sử dụng cho các dự án năng lượng với thời gian vay dài (10 năm).
Trong giai đoạn 2020-2021, tổng dư nợ đáo hạn là gần 1.700 tỷ đồng, chủ yếu đều là các khoản vay cho các dự án bất động sản. Đối ứng là khoản phải thu theo tiên độ còn lại từ dự án Centrosa Garden là 1.600 tỷ đồng, hoàn toàn có thể bù đắp phần nợ vay đáo hạn này.
Bên cạnh đó, HDG cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ chuyển đổi với quy mô 800 tỷ đồng trong năm 2020 – là trái phiếu không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Giá chuyển đổi tối thiểu là 40.000 đồng/cổ phiếu, được điều chỉnh theo các sự kiện pha loãng của công ty.
VDSC đưa ra giá mục tiêu cho HDG là 32.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện tại đang ở mức 24.600 đồng/cổ phiếu.
MSN – Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ vay của MSN ở mức hơn 48.700 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn chiếm 44%, còn lại là nợ vay dài hạn).
Vốn chủ sở hữu ở mức hơn 31.200 tỷ đồng. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu theo đó ở mức 1,6 lần.
Chốt phiên giao dịch 18/9, giá trị vốn hóa của MSN vào khoảng 64.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích gần nhất, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có quan điểm tích cực về khả năng của MSN trong việc tận dụng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam nhờ các mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng của công ty, đặc biệt là nền tảng hàng tiêu dùng nhanh-bán lẻ mang tên The CrownX (TCX).
VCSC dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2020, 2021 và 2022 của MSN lần lượt ở mức 113%, 14,2% và 16,6%. Lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 dự kiến giảm 96%, đến năm 2021 tăng trở lại 124% và năm 2022, mức tăng dự kiến là 415%.
Mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 69.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện ở mức 54.200 đồng/cổ phiếu.