Hiện nay, việc vay tiêu dùng qua công ty tài chính đang trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp luật về hình thức cho vay này.
Vay tiêu dùng qua công ty tài chính là gì?
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN định nghĩa về Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính như sau:
Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng.
Trong đó, nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ bao gồm:
– Mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình;
– Chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao;
– Chi phí sửa chữa nhà ở.
Lưu ý: Mức tổng dư nợ trên không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ô tô làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.
Lãi suất khi vay tiêu dùng công ty tài chính
Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Điều 9 Thông tư 43, sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN như sau:
1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
3.Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của các công ty tài chính là bao nhiêu, mà lãi suất tối đa cho việc cho mục đích tiêu dùng tại Công ty tài chính do Công ty tài chính tự điều chỉnh và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng.
Theo đó, công ty tài chính sẽ căn cứ vào mức lãi suất cho vay cơ bản của NHNN để đề ra mức lãi suất áp dụng cho mình.
Khi cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính thường tính lãi suất theo 02 cách sau:
Cách thứ 1: Tính lãi suất trên số dư nợ giảm dần được tính trên số tiền thực tế mà người vay đang còn nợ. Ưu điểm của cách tính này là người vay sẽ có lợi hơn rất nhiều khi thỏa thuận các công ty tài chính vì số tiền thực tế đã được trừ đi số tiền gốc mà bạn đã chi trả trong các kỳ nộp lãi trước đó.
Cách thứ 2: Tính lãi suất trên phần dư nợ gốc được tính trên tổng số tiền mà người vay vay lúc đầu, lãi này được tính trong suốt thời hạn vay.
Các điều khoản trong hợp đồng vay tiêu dùng
Theo Điều 10 Thông tư 43, hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản và có tối thiểu có các nội dung sau đây:
– Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của công ty tài chính; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của khách hàng;
– Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;
– Mục đích sử dụng vốn vay;
– Phương thức cho vay;
– Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức;
– Thỏa thuận về lãi suất cho vay:
+ Mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó;
+ Nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh;
+ Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay.
– Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
– Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh;
– Quy định về việc trả nợ trước hạn, trong đó bao gồm điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn và hình thức thông báo cho khách hàng về kế hoạch trả nợ gốc, lãi đối với dư nợ gốc còn lại trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn một phần khoản vay tiêu dùng;
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được công ty tài chính chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;
– Các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan; biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng;
– Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với công ty tài chính và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để công ty tài chính thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
– Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi công ty tài chính chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn.
– Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
– Hiệu lực của hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Ngoài các nội dung trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
(Tham khảo từ luatvietnam.vn)