Ngày 2/5, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản gửi tới UBND TP.HCM nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn của 29 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, những quy định “tréo ngoe” về đóng tiền sử dụng đất của TP.HCM, cùng vướng mắc thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án bất động sản bế tắc. Trong đó, tiền sử dụng đất đang là vấn đề khiến không ít doanh nghiệp mang tiếng “bội tín” với khách hàng.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Hiệp hội đã có văn bản UBND TP.HCM và Sở Xây dựng, tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” cho 64 dự án bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, Hiệp hội rất hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các sở ban ngành khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp tại công văn. Từ đó, kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Còn một loạt các dự án “nằm chờ” thực hiện nghĩa vụ tài chính để bàn giao sổ hồng cho người dân như: Moonlight Residences, Lavita Charm, Citizen.TS, Sài Gòn Mia, Richmond City, Lavita Garden, Melody Residences, Sky Center…
HoREA đã có kiến nghị bổ sung trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” vào khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021.
Theo đó, việc không “bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” vào khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa liên thông với một số quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy vẫn chưa tháo gỡ được “ách tắc” về thủ tục đầu tư xây dựng cho nhiều dự án nhà ở thương mại.
Quyết định không bổ sung vào khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chưa nhận được sự đồng thuận cao. Các đại biểu Quốc hội có ý kiến lo ngại việc mở rộng diện giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu. Tuy nhiên, theo HoREA, điều này chưa tính hết lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư và người dân, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận thấy, các doanh nghiệp không thể “tự mình đi thu gom” đất nông nghiệp quy mô lớn, thâu tóm đất đai làm dự án nhà ở thương mại nếu không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo HoREA, trong khoảng 15 năm trở lại đây, doanh nghiệp đã phải thương lượng với người sử dụng đất để “mua lại đất” với giá thị trường theo nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện, “thuận mua vừa bán”. Thậm chí có giá cao hơn trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hầu như không có chuyện doanh nghiệp “chèn ép, mua rẻ” gây thiệt hại cho người sử dụng đất.
Đồng thời, theo quy định pháp luật và theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chủ đầu tư phải bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng), hạ tầng xã hội (đất công viên, y tế, giáo dục) của dự án cho địa phương.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và phải dành 20% diện tích đất của dự án để phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư chỉ được kinh doanh khoảng trên dưới 40% diện tích đất dự án nhà ở thương mại, nên không làm thiệt hại đến lợi ích giữa cộng đồng, nhà đầu tư và người dân.
Tổng Hợp