Kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật cụ thể, cần được nghiên cứu, kiến nghị giải pháp xử lý trong thời gian tới. Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư còn diễn biến phức tạp.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng, các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng nhà chung cư chưa quy định cụ thể về biện pháp chế tài, xử lý đối với nhiều hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành. Chính vì vậy, Sở này kiến nghị về lâu dài, bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Không ít vụ người mua căn hộ và chủ đầu tư xảy ra tranh chấp liên quan đến 2% phí bào trì. Nhiều vụ việc không được xử lý triệt để dẫn đến kéo dài, gây khó khăn trong quản lý, vận hành chung cư.
Một số vướng mắc khác liên quan đến việc không phân định được sở hữu chung riêng trong các tầng hầm, tầng 1, không thống nhất được việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành. Ban quản trị không đủ năng lực để kiểm tra quyết toán kinh phí bảo trì và kiểm soát nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật của tòa nhà chung cư cũng dẫn đến việc chủ đầu tư chậm chuyển kinh phí bảo trì 2%. Ngoài ra, một số chủ đầu tư còn chưa nghiêm túc thực hiện hết trách nhiệm của chủ đầu tư, cố tình trì hoãn quá trình thành lập Ban quản trị và bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2%.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, ở một số chung cư, chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì chung cư, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi. Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ, cho cư dân vào ở.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện các tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư đang diễn ra gay gắt.
Cụ thể, trong 44 nhà chung cư có tranh chấp do Sở Xây dựng đang thụ lý, giải quyết, có đến 34 vụ việc liên quan đến kinh phí bảo trì (chiếm 77%). Đáng chú ý, một số chủ đầu tư né tránh việc đóng góp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung. Nhiều chung cư chưa lập quy trình bảo trì, chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ bảo trì và lắp đặt thiết bị vào chung cư khiến cho các tranh chấp ngày càng gay gắt.
Trong thẩm quyền và chức năng, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra, giải quyết dứt điểm các tranh chấp khiếu nại về việc chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sử dụng chung; giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; xác định diện tích cụ thể phần sở hữu, sử dụng chung – riêng; nghiệm thu, đánh giá chất lượng xây dựng; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Từ đó, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư hiện nay. Để hình thành phí bảo trì, BQT chung cư sẽ chịu trách nhiệm thu của các chủ sở hữu căn hộ. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Kiên Cương