Người dân hưởng lợi 2 gói tín dụng rất lớn sắp ‘rót’ vào bất động sản. Chủ đầu tư và người dân có nhu cầu thực sẽ có cơ hội tiếp cận và mua nhà giá rẻ
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” sáng 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5 – 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 – 6%/năm. TS. Trần Xuân Lượng – chuyên ngành bất động sản, Trường Đại học Kinh tế quốc dân – phân tích, 2 gói tín dụng mới cho nhà ở xã hội là tín hiệu mừng cho thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Lượng cho rằng, với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất giống gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm. Tuy nhiên, cách đây 10 năm khác bây giờ, bởi trước nhiều quỹ đất trong nội đô để phát triển nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm hiện tại những quỹ đất trong nội đô làm nhà ở xã hội ít.
Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội đều đang vướng thủ tục pháp lý. Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội ở đâu là những vấn đề được đặt ra. “Chúng ta không thể xây nhà ở xã hội tại Ba Vì, Sơn Tây trong khi người dân vẫn phải đi làm trong nội thành Hà Nội. Xây nhà xã hội phải kèm theo hạ tầng kỹ thuật nếu không sẽ tạo ra những khu đô thị ma”, ông Lượng nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, cùng với gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng còn đặt mục tiêu một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030.
“Để thực hiện được, cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội. Phải có quỹ đất, lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý. Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hoá theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội)”, ông Hiệp nói.
Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng khoảng 571.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Trong giai đoạn từ 2025 – 2030 sẽ tiếp tục xây dựng thêm khoảng 845.000 căn nhà ở xã hội.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đang triển khai 401 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 434.000 căn hộ, nên từ nay đến năm 2025 chỉ cần xây dựng thêm khoảng 200.000 căn là đạt mục tiêu đề án đưa ra.
Tại Báo cáo phục vụ Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022 nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phần khúc nhà ở trung – cao cấp, NƠXH, nhà cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm nhà ở bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5%.
Lý giải về thực trạng này, Bộ Xây dựng chỉ ra một số nguyên nhân: Chủ đầu tư (CĐT) dự án NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài đến1 – 2 năm;
Các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH, dẫn đến, hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án NƠXH độc lập. Việc này còn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị…dẫn đến quỹ đất để phát triển NƠXH thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương;
Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án còn phức tạp, mất nhiều dài thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án;
Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho công nhân, người lao động, có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức này được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp;
Đáng chú ý, việc các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trong khi trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)