Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. 18 ngân hàng được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống…
Theo số liệu của NHNN, tín dụng hệ thống đã tăng 9,91% so với đầu năm tính đến hết ngày 26/08/2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (7,45%). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8.
Có thể thấy rằng tăng trưởng tín dụng đã và đang chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Trước nhiều ý kiến đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống lên 15-16%, NHNN cho biết sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu 14% như kế hoạch từ đầu năm nay.
Nhóm phân tích nhận xét, điều này cho thấy sự thận trọng của NHNN trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra, khi mà (1) Fed chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay, (2) đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam và (3) áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các NHTM khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất mạnh mẽ hiện nay.
Trong đợt cấp tín dụng này, NHNN đã ưu tiên các NHTM có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao – đơn cử như MB, HDBank, VIB, Agribank…
“Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường”, báo cáo của Vndirect cho biết.
18 NHTM được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống. Theo ước tính của nhóm chuyên gia, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm – tiệm cận với mục tiêu 14% của NHNN.
Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế.
Từ đầu năm, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, như việc lạm phát trên toàn cầu liên tục leo thang, các căng thẳng địa chính trị tại khu vực châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết…
Trong bối cảnh đó, các cơ quan điều hành đã phải có những biện pháp điều hành chặt chẽ hơn đối với thị trường tài chính ngay từ đầu năm.
Theo thống kê từ World Bank, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 124%. Điều đó cho thấy nguồn vốn của các ngân hàng hiện đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nói thêm, con số trên cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh ở dòng vốn vào hoạt động kinh doanh mạo hiểm. Trong khi đó, từ đầu năm nay, nền kinh tế bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi sau dịch. Theo các chuyên gia, việc này sẽ khiến cho nhu cầu vốn của có phần cao hơn so với mọi năm. Thực tế, các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy điều này, khi mà chỉ trong 8 tháng đầu năm tín dụng đã tăng 9,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trên thực tế, trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao, từ cuối quý I, một số ngân hàng đã hết room cho vay, đến giữa năm thì đại đa số các nhà băng đều gặp phải tình trạng trên.
Vì vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng và đảm bảo cho phục hồi cũng như phát triển kinh tế sau đại dịch, nên từ đầu năm dòng vốn từ các ngân hàng là một trong những nguồn được điều tiết đầu tiên.
Theo báo cáo tài chính gần nhất, hiện lợi nhuận từ hoạt động tín dụng đang chiếm khoảng 70-90% tổng thu nhập của các ngân hàng. Vì vậy các hoạt động nắn lại dòng vốn và hết hạn mức tăng trưởng tín dụng không thể không ảnh hưởng đến các nhà băng.
Tổng Hợp