Chỉ tính riêng vốn điều lệ của 5 ngân hàng top đầu đã chiếm gần 44% trong tổng vốn điều lệ của các nhà băng.
BIDV dẫn đầu về vốn điều lệ
Bảng xếp hạng 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất không có sự thay đổi so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, BIDV vẫn tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân với hơn 40.220 tỷ đồng sau khi hoàn tất bán vốn cho KEB Hana Bank hồi tháng 10 năm ngoái. Hai “ông lớn” VietinBank và Vietcombank lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với mức vốn trên 37.000 tỷ đồng.
Xếp ngay sau là Techcombank và Agribank (số liệu đến cuối tháng 6/2019) với vốn điều lệ lần lượt là hơn 35.001 tỷ đồng và 30.372 tỷ đồng. Đáng chú ý, Techcombank cũng là ngân hàng tư nhân duy nhất sở hữu vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng vốn điều lệ của 5 ngân hàng top đầu đã chiếm gần 44% trong tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng được khảo sát.
Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất tại 31/03/2020 (Đơn vị: triệu đồng) (*) Agribank: tháng 6/2019
Ngoài ra, những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất còn có sự góp mặt của các nhà băng như VPBank (25.299 tỷ đồng), MBBank (24.370 tỷ đồng), Sacombank (18.852 tỷ đồng), ACB (16.627 tỷ đồng) và SHB (15.231 tỷ đồng).
Sự phân hóa và khoảng cách giữa các ngân hàng là khá rõ rệt khi vốn điều lệ của các ngân hàng top đầu đã vượt xa con số 30.000 tỷ thì ở một vài ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ chỉ quanh quẩn mức vốn pháp định. Có thể kể đến như PGBank (3.000 tỷ), Saigonbank (3.080 tỷ), VietCapital Bank (3.171 tỷ), Kienlongbank (3.236 tỷ) hay Viet A Bank (3.499 tỷ),…
Trong năm 2020, mặc dù đa số các ngân hàng đều có mục tiêu tăng vốn nhưng theo số liệu cập nhật từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 thì chỉ có 3 ngân hàng được khảo sát điều chỉnh tăng vốn điều lệ, bao gồm SHB, LienVietPostBank và MBBank.
Chỉ 3/28 ngân hàng được khảo sát điều chỉnh tăng vốn điều lệ trong quý I/2020
Trong đó từ ngày 17/02/2020 đến ngày 27/04/2020, SHB đã chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu đưa tổng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, tăng 45,88% so với thời điểm cuối 12/2019. Việc tăng vốn điều lệ của SHB là cơ sở để ngân hàng này hoàn tất đầy đủ các trụ cột của Basel II.
LienVietPostBank trong quý I cũng đã hoàn tất việc phát hành 88,8 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 8.881 tỷ đồng lên gần 9.770 tỷ đồng. Cụ thể, nhà băng này đã phát hành gần 82,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31/12/2018 và phát hành khoảng 6,3 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn cổ phần.
Trước đó, hồi cuối tháng 1 năm nay, MBBank cũng đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỷ đồng lên 24.417 tỷ đồng theo đề nghị của ngân hàng này.
Một số ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay
Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, đầu năm nay, Viet A Bank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.098 tỷ đồng lên gần 5.005 tỷ đồng dưới hình thức phát hành khoảng 150,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Mục đích tăng vốn của Viet A Bank nhằm đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính để tăng trưởng quy mô.
NHNN cũng đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho Nam A Bank từ 3.890 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng thông qua 3 phương án: Chào bán cho cổ đông hiện hữu hơn 43,9 triệu cổ phần (chiếm 13,1% vốn điều lệ hiện hành), chào bán riêng lẻ 50,3 triệu cổ phần (15%) và phát hành 16,76 triệu cổ phần (5%) theo chương trình lựa chọn người lao động.
Năm 2020, NCB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng lên hơn 7.101 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 73%. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên và 290 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý I với giá 10.000 đồng/cp.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức ngày 23/5 vừa qua, đại diện lãnh đạo VietinBank đưa ra đề xuất phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 0%, tức là giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh.
TPBank tại đại hội cổ đông ngày 27/5 cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 20% lên 10.200 tỷ đồng.
Như vậy, với kế hoạch phát hành cổ phiếu của một số ngân hàng để tăng vốn trong thời gian tới, dự kiến bảng xếp hạng vốn điều lệ mới vào cuối năm 2020 sẽ còn có nhiều thay đổi so với hiện tại.
(Theo Tổ quốc)